Những vụ đuối nước thương tâm: Nguy cơ với trẻ em không chỉ là việc không biết bơi

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra hơn chục vụ đuối nước trẻ em. Từ thành phố đến nông thôn, nguy cơ đuối nước với trẻ còn cao, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ nhiều nơi thiếu sự quan tâm và sát sao từ gia đình. Học bơi vẫn chưa là giải pháp an toàn cho trẻ lúc này…

Cần giáp pháp tốt để hạn chế đuối nước trẻ em
Trẻ em khu dân cư Lương Xá, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên bơi lội tại ao làng.

Ngày 8/6/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam tiếp nhận liên tục 2 bé gái dưới 2 tuổi nhập viện vì đuối nước. Một bé sinh năm 2020 quê ở Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, một bé quê ở phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên. Nằm viện được khoảng 1 ngày, hai cháu đã tử vong. Cái chết của hai bé không chỉ làm cho cha mẹ và những người thân đau đớn, nó còn là nỗi ám ảnh đối với các y bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi những ngày sau đó.

Bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp nói: Không hiểu sao ngày hôm đó hai cháu cùng nhập viện vì đuối nước. Chúng tôi được huy động đến cấp cứu cho các bé, nhưng do ngạt nước quá lâu, việc cứu chữa cho các cháu gặp khó khăn. Các bé đã qua đời ngay sau đó gần chục giờ đồng hồ. Nỗi đau đó thực sự ám ảnh chúng tôi…

Hai trường hợp này không có trong danh sách những bé bị đuối nước tử vong do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kê báo. Theo báo cáo của cơ quan này, trong số 14 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích từ đầu năm đến nay, có 10 cháu tử vong do đuối nước. 9 trẻ trong số này dưới 5 tuổi. 50% các bé bị đuối nước tại gia đình (bể nước, ao nhà), 50% ngoài cộng đồng (hồ, sông ngòi, đầm).

Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương bình và Xã hội) cho biết: Hà Nam đang phát động phong trào học bơi toàn dân, đặc biệt chú ý, quan tâm đến dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng trẻ tử vong do đuối nước chủ yếu ở độ tuổi dưới 5 tuối cho thấy, dạy bơi chưa phải là giải pháp an toàn hiệu quả trong phòng tránh đuối nước cho trẻ lúc này.

Cần giáp pháp tốt để hạn chế đuối nước trẻ em
Nhiều trẻ khi tắm ngoài ao, hồ, kênh mương thường không có người lớn đi kèm cùng các trang bị phòng đuối nước, nhất là áo phao.

Là người từng chứng kiến vụ đuối nước thương tâm của một bé 4 tuối cạnh nhà mình, ông Trần Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Bình nghĩa, huyện Bình Lục cho rằng: “Hầu như các bậc phụ huynh đều nghĩ các bé ở nhà là an toàn. Họ đã không nghĩ rằng những rủi ro, nguy cơ đe dọa sự an toàn của các bé đang tồn tại ngay chính trong nhà. Làm sao một bé trai 4 tuổi có thể rơi vào bể chứa nước ăn của nhà mà tử vong? Làm sao có thể có những bé mới chập chững biết đi lại cắm đầu vào xô nước tắm dẫn đến tử vong? Làm sao đứa trẻ 5, 6 tuổi, thậm chí lớn hơn có thể đuối nước ở chính ao mà nó thường tắm hằng ngày? Nếu gia đình quan tâm, giám sát các cháu tốt hơn, những chuyện đau lòng không xảy ra.”

Theo quan điểm của ông Tâm, bảo vệ trẻ em tránh khỏi tai nạn thương tích nói chung, đuối nước nói riêng không chỉ là chuyện cho con đi học bơi mà cần tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ. Dạy trẻ những kỹ năng cơ bản nhận biết sự nguy hiểm từ những sự vật xung quanh.

Trên thực tế, câu chuyện đuối nước ở trẻ chẳng bao giờ chấm dứt. Sau nhiều năm bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các hoạt động tập thể bị hạn chế, đến mùa hè này, nhân dân mới được đi bơi, đi tắm ao hồ tập trung…

Ở vài nơi, đã thành thông lệ, người dân tự kéo nhau ra sông ngòi, ao hồ  vào mỗi buổi chiều hè để tắm, tập bơi. Chẳng hạn như ở Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tại kênh tiêu Hữu Bị, mỗi chiều có tới hàng trăm người tụ tập tắm sông. Già, trẻ, trai, gái tập trung khá đông. Vì sự an toàn, chính quyền xã đã từng cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng nhân dân vẫn đến tắm lội ở đây. Họ cho rằng, họ đã quen từng đoạn sông con nước, từng khu vực nông sâu… Thế nhưng, chính tại nơi này, cách đây không lâu, một học sinh từ Nam Định lên tắm đã đuối nước qua đời. Người dân chỉ hoảng sợ một hai ngày sau đó, rồi họ lại tiếp tục tắm như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Cần giáp pháp tốt để hạn chế đuối nước trẻ em
Đoạn kênh tiêu Hữu Bị, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân là nơi tập trung nhân dân mọi lứa tuổi đến bơi vào mùa hè. 

Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, các cấp, các ngành, các địa phương cần có những biện pháp tốt nhất để kiềm chế đuối nước trẻ em. Với những trẻ chưa thể học bơi, chưa thể tự bơi trong những môi trường nước, việc dạy bơi theo phong trào chưa phải là giải pháp an toàn. Từ thực trạng đuối nước ở trẻ vừa qua cho thấy, vai trò của gia đình mới thực sự quan trọng trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện nay.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy