Nhớ về những trò chơi dân gian của tuổi thơ

Thời chưa có internet, điện thoại, máy tính, những đứa trẻ lớn lên cùng thiên nhiên và những trò chơi dân gian. Biết bao thế hệ đã say mê suốt tuổi thơ của mình với các trò đánh bi, đánh đáo, nhảy dây, chơi chuyền, chơi khăng, chơi u,... Những trò chơi đã giúp tăng cường thể chất, sảng khoái về tinh thần, rèn luyện sự khéo léo, phát triển tư duy, kỹ năng sống, sống chan hòa với nhau, hòa đồng với thiên nhiên. Thời đại internet, trẻ bị cuốn vào không gian mạng, thế giới ảo, những trò chơi dân gian mai một dần... 

Tôi đã từng trải qua tuổi ấu thơ với những trò chơi dân gian bất tận. Ngày đó mỗi buổi đến trường thực sự là một ngày vui. Chúng tôi thường đi học sớm, trong cặp con gái thì mang theo bộ chuyền, dây chun, dây thừng để nhảy dây, con trai mang theo khăng, cù,... Đến trường, con gái nhóm thì chơi nhảy dây chun, nhóm chơi nhảy dây thừng, nhóm chơi ô ăn quan, nhóm chơi chuyền, chỗ chơi u. Con trai thì chơi khăng, chơi cù... Chơi nhảy dây thun, chơi chuyền, chơi khăng cần sự khéo léo, những đứa chơi giỏi (được gọi là chơi “nghề”) luôn được nể trọng. Chơi u, nhảy dây thừng thì sức khỏe lại là ưu thế. Về số người chơi, chơi ô ăn quan, chơi chuyền, đánh khăng chỉ có 2 người, nhưng hàng chục đứa vây xung quanh xem, xuýt xoa, cổ vũ. Nhảy dây thun, dây thừng cần đông hơn. Còn chơi u là trò tập thể, thường phải trên chục đứa chia làm 2 đội. 

Sân trường trước giờ học, trong giờ ra chơi luôn sôi động bởi các trò chơi. Chúng tôi chơi say mê, chơi hết mình. Khi nghe tiếng trống vào lớp đứa nào cũng tiếc nuối. Ngồi trong lớp, những đứa chơi trò vận động đứa nào cũng mặt đỏ tía tai, mồ hôi nhễ nhại, nhưng vui và sảng khoái vô cùng. Ngày đó chúng tôi chỉ học một buổi, buổi còn lại thường giúp bố mẹ việc đồng, việc nhà. Hôm nào đi chăn trâu lũ con trai thường mang quả bóng nhựa, có khi là quả bưởi rụng đi để đá bóng. Tận dụng bất cứ chỗ nào có thể, như mặt ruộng khô mới gặt xong, góc đường, 3 đứa trở lên là chơi được. Mấy đứa con gái thường mang theo chuyền, dây thun để chơi trò nhảy dây. Nhiều hôm mải chơi để trâu ăn lúa, ăn hoa màu dưới ruộng đứa nào đứa nấy sợ xanh mắt bởi kiểu gì chủ ruộng cũng về mách bố mẹ và hôm đó dễ lại no đòn.

Nhớ về những trò chơi dân gian của tuổi thơ
Những trò chơi dân gian giờ chỉ còn tồn tại ở một số vùng quê. 

Những ngày không phải ngày mùa, không phải đi chăn trâu cắt cỏ, hay những buổi trưa trốn ngủ, lũ trẻ chúng tôi lại túm tụm mê say trên mặt ngõ, trong khoảng sân, những khu vườn với các trò chơi. Ngõ ngày đó là ngõ đất, mặt ngõ đi nhiều nhẵn thín. Mấy đứa con trai nằm bò xuống ngõ để búng bi.

Mắt chúng tập trung lắm, nằm xoài xuống để gióng thẳng từ viên bi của mình sang viên bi của đối phương, căn lỗ và dùng tay búng. Hai viên bi va chạm nhau. Nếu bi của đối phương ở gần lỗ thì chỉ cần búng rất nhẹ nhàng đã khiến bi đối phương từ từ lăn vào lỗ. Nếu bi của đối phương ở xa lỗ thì phải búng mạnh để sau va chạm sẽ đẩy bi của đối phương vào thẳng lỗ hoặc đến gần lỗ và chỉ cần một lần búng nhẹ nữa là “ăn” được.

Trò này rất lý thú, cần sự kết hợp nhuần nhuyễn của mắt ngắm và sự khéo léo của đôi tay, lúc mạnh mẽ dứt khoát, lúc hết sức nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Chơi bi thường chỉ có 2 đứa, nhưng cả lũ chúng tôi ngồi bên cạnh xem đầy say mê, mắt dõi theo từng đường đi, cú chạm của những viên bi.

Với những pha bi khó mà bắn được vào lỗ, tất cả đều xuýt xoa. Những đứa chơi giỏi, “ăn” được nhiều bi lúc nào cũng có một túi bi “chiến lợi phẩm” tự hào lắm, những đứa khác thì nhìn đầy nể phục, thèm muốn. Nhiều khi chúng tôi chơi trò búng hạt gấc, hình thức cũng gần như búng bi nhưng không cần có lỗ, chỉ búng để hạt gấc chạm vào nhau là “ăn” được. Trò búng nịt cũng tương tự.    

Bây giờ chỉ ở các vùng nông thôn trẻ còn chơi một số trò chơi dân gian. Ở thành thị gần như không còn bóng dáng của những trò này. Những đứa trẻ phải học nhiều, thời gian ít ỏi còn lại chúng gắn với điện thoại thông minh, máy tính, tivi để chơi trò chơi, xem phim, xem video trên mạng,...

Trẻ ít vận động, ít giao lưu với các bạn đồng lứa qua những trò chơi tập thể. Dinh dưỡng bây giờ tốt hơn nhưng rõ ràng việc ít hoặc không chơi các trò chơi tập thể khiến trẻ hạn chế vận động thường xuyên, không có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, sự khéo léo, dẻo dai, kỹ năng sống,...

Không thể phủ nhận những thiết bị công nghệ đã mang lại rất nhiều tiện ích cho cuộc sống, nhưng việc hạn chế vận động, hạn chế vui chơi tập thể, xa rời dần những trò chơi tập thể trong đó có những trò chơi dân gian đã lấy đi rất nhiều cơ hội để trẻ phát triển lành mạnh, toàn diện. 

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy