Nhiều phương thức quản lý trẻ trong dịp hè

Chị Trần Thùy Linh, tổ 6, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Tôi có 4 con nhỏ, chồng lại đi làm xa nhà thường xuyên, vì vậy mỗi dịp hè đến, tôi lại vô cùng lo lắng. Dù rất muốn cho các con tham gia một số khóa học kỹ năng mềm và năng khiếu trong dịp nghỉ hè như: vẽ, đàn, luyện chữ đẹp, múa, tập võ, chơi cầu lông… nhưng hằng ngày tôi đều phải đi làm từ sáng đến tối muộn nên không thể đưa đón con được. Trước đây, khi các con còn nhỏ, hè đến tôi rủ thêm các gia đình có hoàn cảnh tương tự trong khu phố tập trung thuê người trông nom, lo cơm nước cho các con. Năm nay các con đã lớn hơn, con nhỏ học lớp 1 còn con lớn đã lên lớp 8, vì vậy, tôi khóa cửa để các con ở nhà tự trông nhau. Tôi cũng mới lắp đặt camera tại một số vị trí trong nhà để thường xuyên theo dõi hoạt động của các con. Cứ cách 1 - 2 giờ đồng hồ, tôi gọi điện về cho các con một lần. Để các con không buồn chán mà nghịch điện, dao kéo, tôi chấp nhận để cho các con xem ti vi, máy tính hằng ngày. Tôi cũng biết để con xem ti vi cả ngày như vậy là không tốt nhưng vì gia đình neo người, điều kiện kinh tế lại không mấy dư giả nên cũng đành phải chịu…

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động bổ ích cho trẻ em trong dịp hè. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều học sinh không thể tham gia các sân chơi hè này. Hơn nữa, trong khi con trẻ được nghỉ hè thì phụ huynh vẫn phải xoay vần trong guồng quay công việc. Việc sắp xếp, bố trí thời gian, công việc để đón đưa con gặp khó khăn. Áp lực về phương thức quản lý trẻ với mong muốn làm sao con vừa được vui chơi, giải trí, vừa có sự ôn luyện văn hóa phù hợp và bảo đảm an toàn trong những tháng hè luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh.

Để các con tự trông nhau và chơi trò chơi trong nhà là phương pháp quản lý trẻ được nhiều phụ huynh áp dụng trong dịp hè.

Anh Trần Văn Quyên, tổ dân phố Ngô Gia Khảm, phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý cho biết: Kỳ nghỉ hè kéo dài 2-3 tháng chứ không phải chỉ một vài ngày. Học sinh dù lớn hay nhỏ tuổi đều có nỗi lo riêng. Nếu gia đình không quản lý tốt thì những học sinh ở độ tuổi THCS rất dễ sa vào các trò chơi điện tử, thậm chí là vướng vào các tệ nạn xã hội. Còn với trẻ nhỏ thì lại canh cánh nỗi lo bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn điện, nước. Chính vì vậy, hè nào tôi cũng luân phiên gửi các con về quê nhờ ông bà nội, ngoại trông nom. Phương thức quản lý này vừa bảo đảm an toàn cho các con và cũng là dịp để các con gần gũi hơn với ông bà, được tận hưởng nhiều điều thú vị nơi làng quê yên bình mà nơi phố phường không có được. Ngoài ra, kỳ nghỉ hè ở quê sẽ giúp các con có thêm những trải nghiệm thú vị, được gắn bó hơn với quê hương, họ hàng, từ đó xây đắp nên tình cảm gia đình bền chặt.

Có con gái lớn năm nay lên lớp 8, mùa hè này, chị Hoàng Thị Thi (tổ 4, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) đồng ý cho con đi làm thêm tại một xưởng sản xuất túi, ví trên địa bàn thành phố. Công việc của con là gấp, xếp các loại túi thành từng tập ngay ngắn. Chị Thi cho hay: Tôi có 2 con nhỏ. Những mùa hè trước, tôi thường phải nhờ bà nội, bà ngoại ở quê lên trông con. Mỗi bà trông giúp một tuần, cứ thế thay phiên nhau cho đến hết kỳ nghỉ hè. Thời gian nào các bà bận không lên trông giúp được thì tôi dẫn theo các con lên cơ quan để cho các con ngồi vẽ tranh, học tiếng Anh. Giờ các bà đã yếu, không tiện đi lại nên tôi quyết định gửi con nhỏ về quê ở với ông bà vài tháng hè, còn con lớn thì đi làm thêm để trải nghiệm. Công việc của con khá nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi. Mỗi ngày con kiếm được 70-90.000 đồng từ công việc mình làm. Những hôm không có hàng để làm, con ở nhà tự làm các đồ handmade bằng len như móc khóa, ví, thú bông cầm tay, túi đựng bút, lẵng hoa để bán cho các bạn… Tôi thấy sau gần một tuần làm thêm hè và tự mình kiếm ra tiền, con cảm thấy phấn khởi và biết quý trọng đồng tiền hơn. Con xin được giữ số tiền mình làm ra để mua sắm đồ dùng học tập và quần áo mới phục vụ cho năm học tới. Không chỉ giúp con có thêm trải nghiệm về việc làm mà việc đi làm thêm hè như vậy còn giúp con hạn chế xem ti vi, máy tính hằng ngày. Thêm nữa, chỗ làm thêm có các bác, các cô là người quen của gia đình nên tôi hoàn toàn yên tâm trong vấn đề quản lý con.

Hè là thời gian để trẻ em nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập căng thẳng, từ đó, tái tạo năng lượng để bước vào năm học mới. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều học sinh vẫn bị cha mẹ tạo áp lực lớn về việc học. Bên cạnh đó, trong kỳ nghỉ hè, trẻ bị tai nạn, thương tích, đuối nước vẫn xảy ra hằng năm. Bởi vậy, để giải “bài toán” quản lý trẻ em trong dịp hè, cùng với sự vào cuộc, quan tâm của chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các gia đình đã chủ động trong việc tìm phương thức quản lý phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của gia đình cũng như mong muốn của con để con vừa học, vừa chơi và phát triển toàn diện.

Ngoài cách làm của chị Linh, anh Quyên, chị Thi nêu trên, các bậc phụ huynh hiện nay còn áp dụng nhiều cách làm khác nhau để quản lý con em mình trong dịp hè như cho con đi học thêm các môn văn hóa và nhờ cô giáo vừa dạy dỗ vừa trông con trong dịp hè. Một số phụ huynh thì lựa chọn gửi con học hè tại các trường mầm non cùng các em nhỏ tuổi hơn; cho tham gia lớp học kỳ quân đội; cho con theo các khóa học năng khiếu như âm nhạc, học múa, vẽ, võ, bơi, tùy theo nhu cầu, sở thích của con… Đó đều là những cách quản lý con phù hợp với điều kiện thực tế, giúp trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, thực sự vui tươi và bổ ích.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy