Hiện nay, nhiều nơi có tình trạng người dân thờ ơ với Bảo hiểm y tế (BHYT) khi các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) gặp một số khó khăn xuất phát từ việc đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Ở Hà Nam, một số người dân cũng thể hiện sự băn khoăn về tính thiết thực của BHYT, nhưng có hay không việc người dân thờ ơ với BHYT?
Gần đây, dư luận đang dấy lên việc nhiều cơ sở y tế thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác KCB cho nhân dân. Người dân mắc bệnh vào viện khám phải chờ, phải hẹn, muốn nhanh phải khám bệnh ở bệnh viện tư nhân hay vào phòng khám tư. Nhưng ở đó, việc sử dụng thẻ BHYT sẽ không thuận lợi. Vì thế, nhiều người than dài rằng, trong tình hình này, tấm thẻ BHYT chẳng có giá trị...
Trong một dịp đi cơ sở, trò chuyện với người dân xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, nhiều người cho rằng, mua thẻ BHYT là cần thiết, nhưng nếu đến bệnh viện phải chờ được KCB theo BHYT, hoặc dùng BHYT chỉ để lấy một số thuốc rẻ tiền như dư luận nói thì người dân rất băn khoăn.
Thế nhưng, mới cuối tháng 8 vừa rồi, chúng tôi có dịp về UBND xã Bắc Lý, Lý Nhân, gặp hàng chục người dân đang đợi làm thủ tục mua thẻ BHYT. Ông Trần Văn Thái cầm tấm thẻ BHYT đã bị rách nói: “Tôi mang ra đây nhờ cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã đổi hộ cái khác”.
Ông kể, nhà ông có 3 người, 5 năm qua ông mua thẻ BHYT cho cả nhà. Mỗi người đóng 403.000 đồng/thẻ/năm. Tổng số tiền đã đóng mua thẻ BHYT của gia đình ông là trên 6 triệu đồng. Ông cho biết: “Cả nhà tôi chưa ai ốm, phải vào viện kể từ khi mua thẻ BHYT. Thế nhưng tôi nghĩ, mua thẻ BHYT để phòng thân chứ không mong mua nó để vào viện!”.
Những người xung quanh ông Thái cũng đồng nhất quan điểm này. Họ cho biết, rất nhiều gia đình ở Bắc Lý nhờ có tấm thẻ BHYT mà đỡ đi gánh nặng chi phí khi mắc bệnh hiểm nghèo. Không ai mong mình bị ốm, bị hoạn nạn phải vào viện để hưởng chi phí bảo hiểm trong KCB, nhưng tấm thẻ BHYT luôn cần cho cuộc sống của các gia đình. Ông Trần Văn Thái chia sẻ: “Mỗi gia đình hãy tiết kiệm vài khoản chi nhỏ một năm, dành tiền đó mua bảo hiểm sẽ thấy nó có ích hơn rất nhiều”.
Chị Trần Thị Lý, Tổ dân phố Đường Ấm, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý cầm trên tay tấm thẻ BHYT vừa nhận từ cán bộ lao động – thương binh và xã hội phường cho biết: “Tôi mua thẻ BHYT cho cả nhà đã nhiều năm. Bình thường không phải dùng đến BHYT là điều may mắn, nhưng chẳng may bị ốm đau, tai nạn, thẻ BHYT sẽ gánh đỡ cho chúng ta những khoản chi phí cần thiết”.
Câu chuyện trên cho thấy, người dân có nhận thức tốt về ý nghĩa của tấm thẻ BHYT. Chị Trần Thị Lý, Tổ dân phố Đường Ấm, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý chia sẻ: “Đây là tấm thẻ vàng vì sức khỏe. Đầu tư cho sức khỏe chính là đầu tư cho tương lai, cho sự tồn tại và phát triển bền vững của con người. BHYT là chính sách xã hội mang tính trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta; điểm tựa tinh thần giúp cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, thêm động lực và niềm tin để vượt lên chiến thắng bệnh tật”.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 792.761 người, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh hiện đạt gần 93%. BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT lên hệ thống thông tin giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT; kiểm tra, giám định chặt chẽ việc áp dụng các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở KCB; thành lập tổ, nhóm giám định trực tiếp tại các cơ sở KCB BHYT để từ đó phát hiện những hạn chế, vướng mắc trong công tác KCB BHYT, ngăn chặn kịp thời những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Trong 6 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã thực hiện giám định thanh toán chi phí KCB BHYT cho 396.710 lượt người, giảm 59.350 lượt người so với năm 2021, với số tiền chi 166,9 tỷ đồng.
Trong mục tiêu nhiệm vụ, BHXH tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ. Từ giữa năm 2021 đến nay, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở KCB BHYT đưa vào thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID) trong KCB BHYT, từng bước đưa số hóa vào các hoạt động của ngành, giảm tải áp lực cho nhân dân khi giải quyết thủ tục hành chính.
Giang Nam