Nhắc đến làng quê là nhắc đến “tình làng nghĩa xóm”, là nhắc đến sự gắn kết, sẻ chia đầy chân thành và yêu thương trong cuộc sống hằng ngày của người dân ở mỗi xóm, mỗi làng. Đặc biệt, càng trong khó khăn hoạn nạn, nghĩa xóm tình làng càng được phát huy, thể hiện rõ được tinh thần “tương thân tương ái”, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó vươn lên.
Năm 2021, khi dịch Covid – 19 bùng phát, xã Công Lý (Lý Nhân) phải thực hiện giãn cách xã hội; nhiều hộ phải đi cách ly tập trung cả gia đình. Thời điểm thực hiện giãn cách cũng là thời điểm thu hoạch lúa chiêm xuân. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều hội viên phụ nữ xã Công Lý đã tham gia tổ sản xuất hỗ trợ gặt lúa chiêm xuân cho 11 hộ phải cách ly cả gia đình với tổng diện tích 5,9ha; phơi khô, đóng bao riêng từng hộ với tổng khối lượng 32 tấn thóc chở tới các hộ. Ngoài ra, hội viên phụ nữ còn tham gia chăm sóc, thu hoạch 4,5 sào dưa; hằng ngày chăm nuôi 35 con gia súc, 170 con gia cầm; phối hợp với Hội Phụ nữ thị trấn Vĩnh Trụ đảm nhận việc mua nhu yếu phẩm cung cấp đến từng nhà... Cùng với đó, tổ chức hội đã vận động hỗ trợ kịp thời cho 9 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn (tổng trị giá 7,5 triệu đồng); chủ động phối hợp tiêu thụ lợn, gà, vịt, dưa... cho bà con trong thời gian giãn cách. Những việc làm thiết thực của hội viên Phụ nữ xã Công Lý góp phần quan trọng giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong thời gian dịch bệnh; thắt chặt thêm nghĩa tình làng xóm nơi làng quê.
Không chỉ ở Công Lý, khi dịch Covid -19 bùng phát, ở các thôn, các xã trên địa bàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, cũng như trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, cùng đoàn kết vượt qua đại dịch.
Có thể nói, mỗi làng quê, mỗi phong tục tập quán riêng, nhưng “tình làng nghĩa xóm” nơi đâu cũng đều thể hiện sự gắn kết, sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Rất chân thành và giản dị, tình làng nghĩa xóm – đơn giản chỉ là những lời chào hỏi cởi mở hằng ngày, là chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, là thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, là giúp đỡ tận tình lúc nhà có công có việc. Tình làng, nghĩa xóm – là san sẻ với nhau từng mớ rau, con cá, quả trứng... gia đình làm ra; là san sẻ cùng nhau bát canh ngon, bát xôi trắng, chút dưa cà muối chua. Tình làng nghĩa xóm – là mỗi sớm mai í ới rủ nhau đi chợ, đi làm đồng. Tình làng nghĩa xóm – là sẵn sàng hỗ trợ nhau cây, con giống, vốn để phát triển sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là đoàn kết chung sức đồng lòng xây dựng và đổi mới quê hương...
Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện thu gom phế liệu, “nuôi lợn tiết kiệm”, tham gia “hũ gạo tiết kiệm” để giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bằng những việc làm hết sức thiết thực, như: Phân loại phế liệu từ rác thải sinh hoạt; hằng ngày tiết kiệm từ 2.000 đến 5.000 đồng từ tiền đi chợ để nuôi lợn nhựa, lợn đất; mỗi hội viên ủng hộ từ 3-5kg gạo/năm..., hội viên Phụ nữ xã Thanh Thủy đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh phụ nữ và trẻ em khó khăn trong cùng làng, cùng xã. Việc làm bình dị của các chị không chỉ thể hiện được tinh thần “tương thân tương ái”; gắn kết, đùm bọc, sẻ chia, ấm tình nghĩa xóm làng tại các khu dân cư, mà còn góp phần động viên, khích lệ mọi người vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Diện mạo làng quê giờ đã đổi thay nhiều - khang trang, sạch đẹp hơn. Đời sống của người dân quê cũng được nâng lên rõ rệt - no ấm, đầy đủ hơn. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, những hủ tục lạc hậu ngày xưa ở các làng quê từng bước được xóa bỏ, những nét đẹp văn hóa trong đó có nét đẹp “tình làng nghĩa xóm” luôn được gìn giữ và phát huy.
Tiếp nối truyền thống cha ông để lại, trong đời sống hôm nay, “tình làng nghĩa xóm” chân thành, gắn kết, đùm bọc, sẻ chia luôn được người dân quê thân thiện, cởi mở, trọng nghĩa tình, giàu lòng bao dung quan tâm giáo dục, truyền lại cho các thế hệ con cháu.
Phạm Hiền