Ký ức của những chiến sỹ tham gia giải phóng các điểm đảo Trường Sa

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Được trực tiếp tham gia góp sức trong chiến công có ý nghĩa vô cùng quan trọng ấy, với nhiều cựu chiến binh (CCB) Hải quân nhân dân Việt Nam quê hương Hà Nam luôn là một niềm vinh dự, tự hào lớn lao, sâu sắc, không dễ nguôi quên.

Với CCB Hải quân Nguyễn Xuân Điệm (phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý); CCB Nguyễn Quốc Khánh (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) và nhiều CCB Hải quân đồng hương Hà Nam khác, mỗi khi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện cùng nhau, các ông như lại được trở về một thời hào hùng - được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và tham gia giải phóng, tiếp quản quần đảo Trường Sa.

Ký ức của những chiến sỹ tham gia giải phóng các điểm đảo Trường Sa
CCB Nguyễn Xuân Điệm (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với đồng đội Huy hiệu Chiến sỹ Trường Sa. Ảnh: Hương Giang

CCB Hải quân Nguyễn Quốc Khánh (hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Hải quân tỉnh Hà Nam) nhớ lại: Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975, khi quân ta từ các mũi, các hướng tiến công dồn dập, mãnh liệt trên toàn chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị nhận định thời cơ tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định: Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, huy động sức mạnh tổng hợp dốc sức cho trận quyết chiến chiến lược nhằm tiêu diệt quân địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân được giao trong trận quyết chiến chiến lược này là tập trung vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất, an toàn nhất, xây dựng lực lượng khẩn trương đáp ứng với yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản những cơ sở hải quân địch.

Thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân lập tức nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách để sớm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã điều động hơn 3.900 cán bộ, chiến sỹ từ hậu phương ra tiền tuyến tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trung đoàn 125 Hải quân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ, gần 8 nghìn tấn hàng và các loại xe, pháo, phương tiện phục vụ cuộc Tổng tấn công giải phóng miền Nam, giải phóng Trường Sa, góp phần thống nhất đất nước.

Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng chiến đấu, triển khai cơ động các đơn vị ra tiếp cận và tiến công giải phóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Quyết tâm và định hướng chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân được xác định là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ thuận lợi nhất để giải phóng, không để lực lượng nước ngoài đánh chiếm đảo trước ta. Thực hiện quyết tâm và định hướng đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã sử dụng hải đội tàu của Đoàn 125 Hải quân và lực lượng Bộ đội Đặc công của Đoàn 126 Hải quân cơ động tiếp cận và tiến công giải phóng các đảo.

Với CCB Nguyễn Xuân Điệm (phường Thanh Châu), dẫu đã gần nửa thế kỷ qua đi nhưng ông vẫn nhớ như in thời khắc được cấp trên phân công nhiệm vụ xuống tàu cơ động ra giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là vào ngày 10/4/1975, ông được cử cùng các chiến sỹ Bộ đội Đặc công Đoàn 126 Hải quân cơ động và lực lượng vũ trang nhận mệnh lệnh ra giải phóng Trường Sa. Vượt qua nghìn trùng sóng gió với bao khó khăn, gian khổ, các chiến sỹ hải quân nhanh chóng tiếp cận, tiến công giải phóng và bảo vệ vững chắc các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Chủ trương của ta là tiến đánh giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp đó tiến công giải phóng các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và các đảo còn lại với phương châm tác chiến là bí mật, bất ngờ, chắc thắng. Lợi dụng thủy triều để bí mật đổ bộ lên đảo kết hợp vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo, 1 giờ sáng ngày 14/4/1975, lực lượng Hải quân của ta đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa và chỉ sau 30 phút chiến đấu đã giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Sau khi làm chủ Song Tử Tây, các hải đội tàu Hải quân tiếp tục nhanh chóng đưa đội hình cơ động tiếp cận, tiến công giải phóng đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và các đảo khác trong nửa cuối tháng 4/1975. 9 giờ sáng ngày 29/4/1975, lực lượng hải quân của ta đã hoàn toàn làm chủ quần đảo Trường Sa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương tin tưởng giao phó.

Sau khi giải phóng Trường Sa, lực lượng Hải quân của ta tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố căn cứ chiến đấu nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Quân chủng Hải quân nhanh chóng triển khai lực lượng đóng giữ thêm 16 đảo, nâng tổng số thành 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Liên tục các lực lượng được cử luân phiên ra đảo, góp sức xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, trận địa chiến đấu trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhớ về những ngày tháng hào hùng không thể nguôi quên ấy, CCB Hải quân Nguyễn Quốc Khánh trải lòng: Đơn vị ông tham gia giải phóng một loạt các tỉnh phía Nam, tiến về giải phóng Sài Gòn. Ngày 30/4, đơn vị ông từ phía đông tiến quân vào trung tâm Sài Gòn, tới cảng Cát Lái, một mũi được giao chốt giữ tại cảng, ngăn chặn tàu và truy bắt tàn quân địch tháo chạy bằng đường biển, một mũi tiến vào đánh địch ở cầu Sài Gòn. Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn thắng lợi hoàn toàn, quân và dân ta náo nức ăn mừng, niềm vui chiến thắng rộn ràng trong cả nước.

Sài Gòn được giải phóng, đơn vị của ông được điều chuyển về Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận nhiệm vụ mới. Thời gian sau đó, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ cùng các hải đội cơ động đến từng điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa tiếp quản, góp sức xây dựng, củng cố căn cứ chiến đấu. Thời điểm lúc đó, điều kiện trên đảo thiếu thốn đủ bề, do trước khi tháo chạy, quân địch đã cố tình phá hỏng hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... Khó khăn, gian khổ là thế song cán bộ, chiến sỹ các đơn vị hải quân luôn quyết tâm, quyết chí bám đảo, góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

CCB Nguyễn Quốc Khánh nhẩm tính, trong cuộc đời quân ngũ của ông có tổng số 39 năm chiến đấu và công tác thì có tới 36 năm là lính Hải quân và khoảng 10 năm trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ canh giữ chủ quyền lãnh hải ở các vùng biển đảo tiền tiêu.

48 mùa Xuân đã đi qua nhưng ký ức hào hùng về mùa Xuân đại thắng năm 1975, mùa xuân được cùng tham gia các cánh quân thần tốc giải phóng một số điểm đảo thân yêu của Tổ quốc, góp phần thống nhất toàn vẹn non sông đất nước vẫn luôn là những ký ức không thể nào quên trong tâm trí những cựu chiến binh hải quân nhiều thế hệ. Và trong cuộc sống hòa bình hôm nay, từ những ký ức thiêng liêng ấy, mỗi CCB hải quân đã và đang nỗ lực phát huy tinh thần gương mẫu, tích cực đóng góp sức mình thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống nhằm không ngừng nhân rộng, lan tỏa niềm tự hào cùng trách nhiệm trong thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy