Hướng cho con trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng

Với mỗi bậc phụ huynh và thầy, cô giáo ai cũng mong muốn con em, học trò của mình có thành tích tốt trong học tập. Tuy nhiên, sức khỏe, năng lực, sở thích, sự tiếp nhận kiến thức, môi trường học tập… ở mỗi trẻ là khác nhau, do vậy không phải con trẻ nào đi học đều có thành tích học tập xuất sắc hoặc học đều và học giỏi ở tất cả các môn.

Chính vì vậy, nếu chỉ chú trọng đến điểm số, quá coi trọng thành tích học tập, tạo tâm lý hơn thua đối với trẻ dễ dẫn tới nhiều hệ lụy. Vì vậy, việc hướng con trẻ đến tiếp nhận kiến thức cho bản thân, tăng cường kỹ năng sống, không hơn thua điểm số là việc làm cần thiết hướng tới sự giáo dục toàn diện, tạo niềm tin, sự hứng khởi đối với mỗi con trẻ trong độ tuổi đến trường.

Giữa tháng 5 đang là dịp học sinh các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở, trung học phổ thông (THPT) thi hết năm học và chuẩn bị cho các kỳ thi tốt nghiệp, thi vào các trường THPT, đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Hầu hết khi được hỏi các em đều mong muốn đạt điểm cao ở tất cả các môn trong kỳ thi này. Đây không chỉ là mong muốn của bản thân mỗi em mà còn là mong muốn của bố mẹ, thầy cô giáo, nhưng không ít em cho rằng sự mong mỏi có điểm số cao từ bố mẹ, người thân và thầy cô giáo chính là áp lực khiến các em hết sức lo lắng và mệt mỏi. Thậm chí, nhiều em trầm cảm và chán học khi cha mẹ, thầy cô giáo quá kỳ vọng, mong muốn con em đạt điểm cao, phải hơn bạn trong lớp, trong trường về điểm số và đỗ đạt vào trường chuyên, lớp chọn, vào các trường đại học danh tiếng. 

Hướng cho con trẻ lĩnh hội kiến thức kỹ năng
Học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa (TP Phủ Lý) dọn vệ sinh môi trường.

Em Trần T. L. (học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý) cho biết: “Bố mẹ khi đón em ra khỏi cổng trường là bao giờ cũng có câu hỏi: Hôm nay được mấy điểm? Bạn M. (là bạn cùng lớp) được mấy điểm?. Nếu em bị điểm thấp hơn bạn M. kiểu gì bố mẹ em cũng nói em chưa tập trung học tập, vẫn mải chơi, cần phải đạt điểm 9, điểm 10 để chuẩn bị thi vào lớp chất lượng cao của khối lớp 6… Chẳng mấy khi bố mẹ em hỏi hôm nay con học cái gì? Nay con đi học có vui không?”.

Em Nguyễn T. M. (học sinh Trường THPT B Phủ Lý) cũng cho biết: “Vào dịp cuối năm học, em thấy một số bạn bè, nhất là nhiều cha mẹ khoe thành tích học tập của con trên mạng. Nào là giấy khen, bảng điểm, giấy gọi nhập học các trường… Khi em mang kết quả học tập của mình về bố mẹ em rất vui, nhưng khi so sánh với điểm số của con các cô chú, bạn bè bố mẹ trên mạng, bố mẹ em cho rằng em vẫn lười, chưa cố gắng, vẫn còn thua bạn… khiến em thấy rất buồn và mệt mỏi. Sự cố gắng của em chưa được bố mẹ ghi nhận và luôn bị so sánh về điểm số với các bạn khác. Lúc nào bố mẹ cũng có câu: Con nhà người ta thế này, con nhà người ta thế khác… khiến em thấy chán nản, ức chế và không thích học, nhất là những môn mình không có năng khiếu”.   

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều gia đình giáo dục con bằng tâm lý hơn - thua, chỉ quan tâm điểm số, thành tích, thấy con kém bạn là mắng, trách móc. Nhiều gia đình xem nhẹ việc lễ phép, quan tâm, yêu thương gia đình, bè bạn, chia sẻ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, biết nhường nhịn anh em, biết làm việc nhà giúp cha mẹ, lao động tập thể… mà coi trọng việc học giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Chính vì vậy, họ sẵn sàng làm thay tất cả mọi việc để con chỉ chú tâm vào học lấy điểm số cao, để con thông minh, giỏi hơn các bạn khác.

Mục tiêu cao đẹp của giáo dục là phát triển nhân cách, tâm hồn, hoàn thiện bản thân, kỹ năng sống và sự tiến bộ của con trẻ ít được coi trọng mà nhiều người chỉ quan tâm con được bao nhiêu điểm, có hơn bạn này, bạn kia, hơn con ông này, bác kia hay không…? Trong khi năng lực, sự tiếp nhận kiến thức, sức khỏe, năng khiếu, sở thích… mỗi trẻ là khác nhau. 

Nói về vấn đề này, chị Trần Thị Nga ở Tổ 5, Phường Quang Trung (TP Phủ Lý) chia sẻ: Nhà mình có 2 con, cháu lớn học tập, tiếp thu rất tốt, trong khi cháu thứ 2 học tập kém hơn rất nhiều. Những năm đầu cháu đi học, mình thấy con có thành tích kém mình cũng thất vọng, hay trách mắng, chê bai, so sánh con với chị của mình và các bạn khác. Chính từ thái độ này càng làm ảnh hưởng tới con. Cháu buồn, càng chán học, sợ hãi khi phải đi học, về nhà thường ở lì trong phòng một mình và không thích nói chuyện với bố mẹ.

Cũng phải công nhận rằng kiến thức học tập của cháu bé hiện nay nhiều hơn cháu lớn đã học cách đây 8 năm, cộng với việc nhận thức, năng lực của cháu thứ hai không bằng chị mình, đặc biệt đã thấy nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với học sinh trên cả nước do áp lực học tập nên vợ chồng tôi đã thay đổi, không tạo áp lực về điểm số, cho con vào học tập ở môi trường đỡ áp lực hơn, coi trọng việc rèn kỹ năng sống, kiến thức xã hội và năng khiếu nên hiện nay cháu rất vui vẻ, hòa đồng, học tập cũng tốt hơn. Từ đó, cháu biết quan tâm, chia sẻ giúp đỡ cha mẹ và có lòng nhân ái, yêu thương những người yếu thế”.   

Không thể phủ nhận nếu chương trình học quá nặng sẽ gây tâm lý nặng nề, căng thẳng cho học sinh. Cộng với việc quá coi trọng điểm số, tạo tâm lý hơn thua sẽ càng tạo thêm áp lực cho con trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô giáo lúc nào cũng bắt học sinh phải học, đối xử không công bằng, hay đem ra so sánh với người khác… dễ dẫn tới phản giáo dục, con trẻ chán học, thậm chí là trầm cảm và có những tư tưởng lệch lạc, hành động thiếu suy nghĩ…

Theo cô Vũ Thị Lan, giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa: “Trong quá trình giảng dạy, giáo viên coi trọng việc nắm bắt tâm lý, năng lực của trẻ; tạo sự thoải mái, vui vẻ để trẻ tiếp nhận kiến thức vì mỗi học sinh có sở thích, năng lực... khác nhau. Cùng với đó, giáo viên cũng động viên phụ huynh không gây áp lực cho con, chỉ khéo léo, tế nhị nhắc nhở để các em không bị tổn thương và có tâm lý lo sợ, bi quan khi không đạt được điểm số như kỳ vọng của cha mẹ. Việc giáo dục phải toàn diện về nhân cách, trí tuệ không phải nằm ở điểm số, thành tích. Hôm nay con tiến bộ, trưởng thành hơn hôm qua đã là một điểm số tốt”.

Có thể thấy, bố mẹ, thầy cô giáo ai cũng muốn con mình đạt thành tích học tập tốt, đỗ đạt vào các trường danh tiếng và có việc làm tốt trong tương lai. Tuy nhiên, những kỳ vọng thái quá, vượt xa năng lực thực tế của con trẻ sẽ gây nên những áp lực nặng nề khiến con luôn trong trạng thái phải cố gắng, nỗ lực để đạt thành tích mà cha mẹ mong muốn. Khi không đạt mục tiêu đó, các em thất vọng, chán nản, buông xuôi, tự làm tổn thương bản thân để thoát khỏi áp lực.

Chính vì vậy, thay vì coi trọng điểm số, đặt mục tiêu quá cao, bố mẹ, thầy cô giáo hãy gần gũi để hiểu năng lực, nguyện vọng và giúp các con đặt mục tiêu học tập đúng mức để phát triển đam mê, sở trường; cân bằng giữa học tập và tham gia các các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí. Thầy cô giáo luôn quan tâm truyền thụ tri thức, giáo dục nhân cách, đồng thời cũng là người bạn tinh thần của học sinh.

Bên cạnh nêu các tấm gương cần cù, chịu khó, học giỏi, cũng cần trao đổi, đề cập đến những thất bại, những người chưa qua trường lớp nhưng vẫn đang nỗ lực vươn lên và thành công trong cuộc sống. Cần nhìn nhận, định hướng đúng đắn mục tiêu của việc học là để tiếp thu kiến thức, để biết, để làm, học để cùng chung sống và học để làm người, không phải học để hơn thua điểm số. 

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy