Hà Nam từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị

Thu nhập của người dân nông thôn Hà Nam 10 năm qua đã có những thay đổi đột phá, từ 15 triệu đồng/người/năm 2010 tăng lên 46 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 10,68% (năm 2010) xuống còn 2,73% năm 2019. Đời sống người dân nông thôn được nâng cao. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nông thôn với thành thị vẫn còn khá xa…

Gần 90% nông dân làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống.

Tác động từ chính sách

Đưa ra mốc thời gian 10 năm để so sánh mức sống của người dân nông thôn Hà Nam trên cơ sở đánh giá những tác động về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông thôn. Trong thời gian này, quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng, toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đa chiều… Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy các chương trình mục tiêu trên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân là mục tiêu cốt lõi.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định: “Đây là giai đoạn chúng ta đã làm rất tốt công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Không chỉ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà còn tổ chức lồng ghép thực hiện tốt nhiều đề án, mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân… góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững”. 60.000 lao động nông thôn đã được đào tạo nghề; trong đó, có trên 12.000 người được đào tạo nghề về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Hiện, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm qua đào tạo đạt trên 67%, tỷ lệ thất nghiệp chiếm 1,8% tổng số lao động toàn tỉnh.

Hầu hết các địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất, vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn về tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các hình thức sản xuất. Hà Nam thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ, bước đầu đã đạt được hiệu quả nhất định, góp phần định hình rõ hướng đi đúng cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty VinEco thuộc tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (thuộc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Vina Seed), Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk… đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh với diện tích trên 650ha. 

Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn tỉnh có 1.000 ha đất nông nghiệp công nghệ cao, mỗi xã tích tụ 10 ha đất để làm mạng lưới vệ tinh, sau đó nhân rộng mô hình. Gần 500 nông dân Hà Nam đã và đang làm việc tại các khu nông nghiệp công nghệ cao đến thời điểm này. Theo ông Nguyễn Thành Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, việc làm đối với người nông dân hiện nay không phải là vấn đề khó khăn nữa. Nông dân có quyền chọn việc làm theo khả năng và nhu cầu. Khi phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, đất đai được tích tụ, việc sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa được đưa vào sản xuất, thay thế sức người, giảm bớt lao động. Do đó, người nông dân có thể không làm nông nghiệp mà chuyển đổi việc làm để có thu nhập cao hơn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn của Lý Nhân đạt 45,5 triệu đồng/người/năm.

So với mức thu nhập trung bình của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh là 46 triệu đồng/người/năm (theo báo cáo kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019), mức thu nhập của nông dân Lý Nhân thấp hơn nhưng tỷ lệ lao động nông thôn ở đây có việc làm thường xuyên đạt trên 95%. Ông Nguyễn Thành Thăng khẳng định: 10 năm xây dựng nông thôn mới, thực hiện giảm nghèo bền vững, theo tiêu chí đa chiều đã làm cho đời sống, thu nhập của nông dân cải thiện rõ rệt. Nếu như 10 năm trước, về mỗi vùng quê Lý Nhân, đường sá giao thông khá vất vả, nhà cửa của nhân dân rất đơn giản thì nay có nhiều làng trù phú hơn, không khó gặp những nông dân triệu phú, tỷ phú nữa.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Khi nói chuyện về kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: Hà Nam vẫn là tỉnh nông nghiệp, đang phát triển mạnh về công nghiệp, kinh tế nông nghiệp vẫn là trọng điểm, nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 ưu tiên số một là đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp dịch vụ, làm nền tảng để phát triển nhanh và bền vững. Nông dân giàu thì tỉnh ta sẽ giàu, bởi vì, người dân sống ở khu vực nông thôn hiện nay là hơn 711 nghìn người, chiếm 82,23% dân số toàn tỉnh. 

Theo báo cáo của Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Hà Nam hiện đạt khoảng 46 triệu đồng/năm, bình quân mỗi hộ dân nông thôn đã có thu nhập xấp xỉ 141 triệu đồng/năm. So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, mức thu nhập bình quân đầu người của Hà Nam cao hơn Nam Định, Thái Bình.

Vấn đề ở chỗ, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng hơn 3 lần trong vòng 10 năm qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. So với thu nhập của người dân thành thị trong tỉnh, trung bình 65 triệu đồng/người/năm, khoảng cách thu nhập của người dân nông thôn và thành thị cách nhau 1,4 lần (bình quân cả nước 1,8). 

Mặc dù, có hàng vạn lao động có việc làm trong khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp nhưng vẫn còn một phần lớn lao động nông thôn không làm nông nghiệp mà lao động ở khu vực phi chính thức, nguy cơ đối mặt với những rủi ro lớn như thu nhập không ổn định, không ràng buộc với chủ sử dụng lao động nên phải chấp nhận những thiệt thòi về chế độ chính sách theo quy định của pháp luật, thậm chí mất việc bất cứ lúc nào. Ô nhiễm môi trường nông thôn đang trong giai đoạn khó kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống của nhân dân. Con em học đại học ra trường, nhiều cháu không xin được việc làm theo chuyên ngành đào tạo, phải đi làm công nhân với mức thu nhập thấp…

Vì vậy, để từng bước thu hẹp khoảng cách nông thôn với thành thị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục vận động và hỗ trợ thực hiện xây dựng NTM toàn diện và đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sinh sống của cư dân nông thôn. Chú trọng hỗ trợ phát triển hạ tầng công cộng ở cấp thôn, xóm; hỗ trợ các nông hộ phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập; cải thiện nhà ở; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống chính trị; đảm bảo an ninh trật tự. Từng bước huy động nguồn lực để duy tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp xã, nhất là về giao thông, thủy lợi. Xây dựng NTM phải tính đến các yêu cầu đô thị hóa trong tương lai, nhất là các khu vực ven các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của các đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, bình an, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy