Điều tôi thích ở nghề báo, đó là những chuyến đi

Nhà báo Hải Nhẫn công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam. Chị được anh, em đồng nghiệp đánh giá cao về khả năng tác nghiệp, thể hiện tác phẩm, có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng trong đó có những tác phẩm đoạt giải cấp tỉnh, cấp trung ương. Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Phóng viên Báo Hà Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hải Nhẫn để nghe chị tâm sự về nghề báo, cũng như tình yêu, trách nhiệm với nghề. 

Nhà báo Hải Nhẫn (thứ 2 từ trái qua) chuẩn bị xuống tàu lên đảo Lý Sơn trong chuyến công tác tại Vùng 3 hải quân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị có thể chia sẻ cơ duyên đến với nghề báo - một công việc tương đối vất vả so với nữ giới?

Nhà báo Hải Nhẫn: Từ nhỏ bản thân tôi đã rất yêu thích Văn học, Lịch sử, Địa lý, thích ghi chép những câu văn ngắn để lưu giữ trong một cuốn sổ tay… và có một ước mơ là sẽ trở thành nhà báo. Tôi thi đỗ Khoa Báo chí, Trường Cao đẳng Phát thanh  Truyền hình I (khóa II), sau đó học liên thông lên đại học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tác phẩm báo chí đầu tiên được xuất bản chắc chị đã rất vui?

Nhà báo Hải Nhẫn: Vốn yêu thích nghề báo nên ngay từ khi còn là sinh viên tôi đã tích cực cộng tác với một số báo trung ương và địa phương (trong đó có Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Hà Nam). Còn nhớ rất rõ cảm giác khi nhận được tờ báo biếu của Báo Nông nghiệp Việt Nam với tác phẩm “Ông tôi”. Khi ấy tôi vui lắm. Bởi nó là một phần thưởng khích lệ tinh thần sau thành quả lao động sáng tạo và vất vả, là sản phẩm do chính mình tạo ra trực tiếp. Được nhận tờ báo biếu như được tăng thêm động lực cho bản thân, từ đó tôi càng thêm yêu nghề báo.

Chị có thể chia sẻ đôi chút kỷ niệm về những ngày đầu tác nghiệp khi chính thức là phóng viên?

Nhà báo Hải Nhẫn: Ra trường tôi về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam. Còn nhớ những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề cũng gặp không ít khó khăn. Tác nghiệp những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ và không khỏi lo lắng, nhưng đổi lại mình có đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Hà Nam là một trong những tỉnh có địa bàn không rộng lớn, cũng không có quá nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong tháng. Nhớ lại những ngày đầu viết tin, viết bài chưa quen, được các anh, chị ở các phòng ban chuyên môn chân tình chỉ bảo, nhắc nhở, uốn nắn để không bỏ sót tin, cho hợp “guồng”, dùng từ ngữ cho phù hợp, con số, chức danh, đơn vị hành chính cho chính xác, không để xảy ra sai sót trên sóng. Đã có lúc tôi thấy bài viết của mình nghèo ý. Khi đã tìm được ý thì cấu tứ lại lộn xộn. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, ham học hỏi, không ngại gian khổ tôi đã sớm bắt nhịp và làm tốt nhiệm vụ được giao.

Được biết đầu năm 2024, chị đã có chuyến công tác ra đảo Cồn Cỏ và đảo Lý Sơn. Chắc đó là chuyến đi tác nghiệp không ít khó khăn, nhất là với một nhà báo nữ, nhưng cũng rất thú vị. Chị có thể chia sẻ đôi chút?

Nhà báo Hải Nhẫn: Điều tôi thích ở nghề báo, đó là những chuyến đi. 15 năm công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, những chuyến đi tác nghiệp đã cho tôi không ít kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là trong chuyến công tác Vùng 3 Hải quân đầu năm 2024, thực hiện chuyến tuần tiễu trên biển, thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ (CBCS), nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Thông thường thì đây là tuyến đảo gần bờ, việc tác nghiệp đối với phóng viên, nhất là phóng viên nữ của các cơ quan báo chí trên cả nước không quá khó khăn, vất vả. Thế nhưng, chuyến hải trình đó thời tiết xấu, do ảnh hưởng đợt gió mùa Đông Bắc nên biển động, sóng lừng, thành viên trong đoàn hầu hết đều say sóng vật vã. Có người đã phải nằm suốt nhiều giờ không thể ngồi dậy làm bất cứ việc gì. Bản thân tôi phải truyền nước ngay tại tàu. Khi tàu KN 390 chở đoàn công tác chúng tôi tiếp cận gần khu vực đảo Cồn Cỏ nhưng những con sóng dữ, cao từ 5-6 m khiến tàu liên tục bị xô đẩy và trồi lên tụt xuống, việc tiếp cận đảo rất khó khăn. Để bảo đảm an toàn cho thành viên đoàn và thủy thủ tàu, Chính ủy Vùng 3 Hải Quân đã quyết định cho tàu thả neo ngoài xa, công tác trung chuyển hàng hóa thực hiện bằng ca nô và tiến hành chúc Tết CBCS, quân dân huyện đảo Cồn Cỏ qua zalo. Giữa trùng khơi mênh mông sóng gió, việc tác nghiệp của phóng viên báo chí chúng tôi gặp không ít khó khăn.

Khi điện thoại có sóng tôi đã tranh thủ gọi điện báo cáo tình hình với lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo phòng. Được động viên tinh thần, được đồng nghiệp trong chuyến công tác hỗ trợ, bản thân đã cố gắng khắc phục.

Đến với huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thời tiết ở đảo Lý Sơn cũng không thuận lợi do nhiều mây và có mưa. Không quản ngại vất vả, sau khi có lệnh của chỉ huy, các đại biểu trên tàu lập tức mặc áo mưa, áo phao và lần lượt di chuyển xuống các tàu nhỏ để lên đảo. Đội ngũ thông tấn, báo chí chúng tôi được ưu tiên xuống trước để làm nhiệm vụ. Dưới bầu trời Lý Sơn, cơn mưa nặng hạt không làm chùn mỗi bước chân của chúng tôi. Bấy giờ, sức khỏe của mỗi anh em phóng viên như được nhân đôi sau nhiều ngày nằm bẹp trên tàu. Nét xanh xao, mệt mỏi trên mỗi gương mặt, hay những cơ thể mất sức hôm trước đã nhường lại cho sự nhanh nhẹn, nhiệt huyết với công việc khi liên tục bê vác chân máy, thiết bị quay và chạy thoăn thoắt để ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh đẹp, ý nghĩa nhất của đoàn công tác trên đảo Lý Sơn. Thời gian trên đảo được tận dụng tối đa cho công việc… Không ít phóng viên lần đầu tác nghiệp nơi đảo xa như tôi đã chiến thắng được những gian khó, thắng được nỗi sợ giữa mênh mông biển cả, mang tình cảm của đất liền đến với chiến sĩ, nhân dân trên đảo, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

 Chị đã có một số tác phẩm đoạt giải cao ở toàn quốc, cấp tỉnh. Chị thường chọn đề tài thế nào để thể hiện, quá trình thực hiện có nhiều khó khăn không, cảm xúc thế nào khi tác phẩm đoạt giải?

Nhà báo Hải Nhẫn: 15 năm gắn bó với nghề báo, bên cạnh những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp bản thân cũng tự hào có những tác phẩm chất lượng cao. Nếu nói về giải nghiệp vụ do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam tổ chức thì hầu như kỳ liên hoan nào tôi cũng có giải A, B.

Với các kỳ liên hoan nghiệp vụ phát thanh toàn quốc, mới đây tại kỳ liên hoan lần thứ XV tôi và nhóm tác giả đã giành 2 giải Bạc ở 2 thể loại Phỏng vấn và Phát thanh chuyên đề (Talk show). 3 năm liên tục (2021, 2022, 2023) tôi được trao Giải báo chí về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng) vòng sơ khảo cấp tỉnh. Trong đó tại vòng sơ khảo Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII năm 2023 cấp tỉnh tôi đã vinh dự đoạt giải B cho tác phẩm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thể loại phát thanh chuyên đề.

Đây là kết quả rất khiêm tốn, bản thân tôi vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Viết một tác phẩm báo chí dự thi phải đầu tư trí tuệ, thời gian, công sức hơn. Ngoài việc chọn đề tài, thu thập thông tin, thì phải hay và hấp dẫn trong cách thể hiện. Đặc biệt ngôn từ phải phù hợp với từng thể loại. Hầu hết các tác phẩm đạt giải trong các kỳ liên hoan Phát thanh toàn quốc và giải Búa liềm vàng thời gian qua đều chọn thể loại Talkshow/phát thanh chuyên đề. Thực tế, trong các loại hình báo chí, phát thanh chỉ có một vũ khí duy nhất là lời nói, vì vậy muốn thu hút được người nghe phải sử dụng nhuần nhuyễn kĩ năng viết cho phát thanh. Một yếu tố nữa quyết định chất lượng của một tác phẩm Talkshow đó chính là khách mời đồng hành và một người dẫn chuyện. Có như vậy vấn đề đưa ra bàn thảo mới được đẩy lên cao trào và đi đến giải pháp tháo gỡ thấu đáo.

Tôi cho rằng, chính thực tiễn sinh động, phong phú và những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành chất liệu quý khơi nguồn cảm hứng lớn lao để bản thân tôi hoàn thành các tác phẩm dự thi của mình một cách tốt nhất, vừa thể hiện được tính báo chí cũng như “chất” xây dựng trong tác phẩm. “Không có bột không thể gột nên hồ”. Nói như vậy, để thấy, kết quả mà bản thân tôi có được hôm nay, là nhờ có sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, Phòng Biên tập phát thanh. Một yếu tố cũng hết sức quan trọng nữa, đó là sự hợp tác giúp đỡ của của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đối với tôi trong quá trình liên hệ, viết bài. Điều cuối cùng tôi nghĩ rằng, nếu không yêu, không đam mê với nghề sẽ không thể có được vinh quang của người làm báo. Khoảng thời gian công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, tôi thấy mình thực sự trưởng thành trong đạo đức, phong cách của người làm báo cách mạng.

Nhiều người cho rằng làm báo bây giờ có nhiều thuận lợi hơn, nhưng thách thức cũng rất nhiều. Chị suy nghĩ như thế nào về làm báo, nghề báo bây giờ?

Nhà báo Hải Nhẫn: Ngày nay, làm báo có nhiều thuận lợi hơn về mọi mặt như: Phương tiện tác nghiệp, phương tiện đi lại, mạng internet. Đặc biệt là sự phát triển các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội... đã giúp các phóng viên rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu và tiếp cận thông tin. “Cơn bão” thông tin của thời đại số, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội khiến môi trường làm việc của nhà báo trở nên rộng lớn và dần không còn “biên giới” cứng trong tác nghiệp. Tuy nhiên, cũng từ đây đã xuất hiện những người làm báo “salon”. Nghề báo là một nghề hấp dẫn, đầy sự khám phá nhưng cũng đầy hiểm nguy. Hào quang cũng có mà cạm bẫy cũng nhiều. Đã có không ít nhà báo không vượt qua được những cám dỗ, thử thách mà đánh mất mình, mất nghề. Thế nên dù trong bất cứ giai đoạn nào, người làm báo vẫn phải giữ vững được bản lĩnh của mình, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Cùng với đó, phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Trong hoạt động nghề nghiệp, người làm báo không chỉ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, mà còn phải thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức chung trong đời sống. Tâm có sáng thì làm gì cũng bền.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

Đỗ Hồng (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy