Chuyện của những người làm nghề sửa chữa quần áo

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Phủ Lý, không khó để tìm một tiệm sửa quần áo. Phần lớn các tiệm sửa quần áo tập trung ở những vị trí có đông người qua lại như khu vực chợ, gần các trường học... Chỉ với một chiếc máy may, một chiếc máy vắt sổ cùng phấn, chỉ, cúc... các loại, thợ sửa quần áo mưu sinh, bám trụ với nghề qua năm tháng.

Với gian hàng chỉ vỏn vẹn chưa tới 5m2 tại chợ Phủ Lý, hằng ngày, ông Quyền Đình Khiển vẫn miệt mài với công việc của người thợ sửa chữa quần áo. Gần 6 giờ chiều, ông Khiển tắt bớt chiếc quạt con và bật thêm một quả bóng điện cho sáng để làm nốt phần việc còn lại trong ngày trước khi nghỉ.
Đưa tay lên lau vội những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên trán, ông Khiển cho biết: Làm nghề sửa quần áo, công cán không đáng là bao. Nếu chỉ là may lại các đường may ở quần áo mua chợ hay thay khóa áo, quần, lên gấu quần bò... giá chỉ 10-15 ngàn đồng/cái. Còn nếu thu hẹp hay nới rộng vòng eo của áo, váy, sửa các chi tiết khó và mất nhiều thời gian thì giá dao động từ 20-30 ngàn đồng/cái. Với những chiếc váy hàng hiệu đắt tiền, tôi phải rất thận trọng, có khi cả ngày mới sửa được đôi ba chiếc. Trong khi đó, tiền thuê gian hàng nhỏ này cũng mất hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể giá điện lại rất đắt nên chỉ khi thật sự cần tôi mới bật quạt hay bật thêm bóng đèn để làm.

Trong gian hàng chưa tới 5m2 tại chợ Phủ Lý, hằng ngày, ông Quyền Đình Khiển miệt mài với nghề sửa chữa quần áo.

Năm nay, ông Khiển bước sang tuổi 74 và có thâm niên 15 năm trong nghề sửa quần áo. Được biết, trước đây, ông là một thợ may và đi dạy cắt may ở nhiều nơi. Sau này, khi nghề may không còn thịnh vượng như trước, cộng với tuổi cao, mắt kém, ông Khiển quyết định bỏ nghề may và thuê gian hàng ở chợ Phủ Lý để mưu sinh bằng nghề sửa chữa quần áo. Tính ông vốn kiên nhẫn, cẩn thận, lại có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề may mặc nên chỉ sau một thời gian ngắn làm nghề sửa quần áo, ông Khiển đã có rất nhiều khách hàng quen. Cứ người này giới thiệu cho người kia nên suốt 15 năm trong nghề, chưa có ngày nào ông Khiển hết việc. Hơn nữa, khách hàng đi chợ đông, nhiều người đến chợ mua quần áo rồi mang xuống nhờ ông may lại đường chỉ, cắt gấu hay chỉnh sửa cho vừa người, chắc chắn hơn.

Nói đến nghề sửa chữa quần áo, mọi người thường chỉ nghĩ là sửa chữa quần áo cũ. Thế nhưng bây giờ, khi các mặt hàng thời trang ngày càng phát triển thì lượng khách hàng đi mua đồ mới rồi chỉnh sửa tại các tiệm sửa chữa quần áo ngày một đông hơn. Đó cũng là lý do khiến ông Khiển cũng như nhiều thợ sửa chữa áo quần khác không mở quán sửa quần áo tại nhà mà chọn thuê gian hàng nhỏ trong chợ để làm nghề. Hiện nay, ở xung quanh khu vực chợ Phủ Lý có 3-4 người làm nghề sửa chữa quần áo như ông Khiển. Mỗi người tìm cho mình một vị trí thuận tiện để hành nghề. Người thì thuê gian hàng trong chợ để ngồi, người thì tận dụng vị trí nhà ở mặt đường để mở quán.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một thợ sửa quần áo trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường Lương Khánh Thiện) cho hay: Làm nghề gì cũng phải tận tâm, chu đáo và giữ được uy tín mới lâu bền được. May đồ mới đã khó, sửa đồ cho vừa ý khách còn khó hơn. Cũng như nghề thợ may, nghề sửa quần áo đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì và biết chiều ý khách. Để cái áo, cái quần sau khi sửa được đẹp, người thợ cần có cả kiến thức về thời trang, may mặc để tư vấn thêm cho khách hàng. Vì là nghề "lấy công làm lãi" nên mỗi ngày tôi túc tắc làm từ sáng sớm đến tối muộn mới nghỉ. Ngày đông khách bù ngày vắng khách, bình quân mỗi tháng tôi cũng kiếm được 5-6 triệu đồng.

Anh Tuấn làm nghề sửa quần áo đã được chục năm nay. Hầu như ngày nào anh cũng làm từ sáng sớm đến tối muộn, bình quân mỗi ngày anh sửa được 20-25 chiếc quần, áo các loại. Thời gian nào đông khách, anh phải thức cả đêm làm để kịp trả hàng cho khách theo đúng lịch hẹn. Thời gian trước, để mưu sinh, anh phải đi làm thuê, làm mướn đủ nghề nên rất vất vả. Nhận thấy nhu cầu về sửa chữa quần áo của người dân tăng cao, nhà lại có vị trí ở mặt đường, gần chợ, hằng ngày đông người qua lại, anh Tuấn đã tham gia một khóa học dạy cắt may rồi đầu tư máy may công nghiệp, máy vắt sổ và một số dụng cụ cần thiết để làm nghề sửa chữa quần áo.

Trò chuyện với anh Tuấn, được biết, nghề sửa chữa quần áo chẳng khác gì "làm dâu trăm họ". Dù đã làm lâu năm và có nhiều kinh nghiệm nhưng người thợ vẫn không thể tránh khỏi những sai sót. Có khách hàng dễ tính thì thông cảm và đề nghị anh sửa lại theo ý nhưng cũng có không ít khách hàng kỹ tính, đến mặc thử không như ý là họ bắt đền ngay. Nhiều người đến ngày hẹn lấy đồ mà thợ chưa kịp làm xong là họ mang đồ đi quán khác.
 Tuy nhiên, mỗi khi có sai sót, dù lỗi do thợ sửa hay do khách thì người thợ cũng phải khéo léo, nhẹ nhàng giải thích với khách hàng. Nếu khách hàng vẫn không thoải mái thì mình cũng không lấy tiền công. Thậm chí, có những khách hàng mang đồ cũ đã rách tươm đến sửa, dù tốn rất nhiều công tháo, cắt và chắp vá, lại không thể lấy công cao nhưng đã yêu nghề và xác định gắn bó với công việc này thì người thợ vẫn niềm nở nhận làm, không bao giờ từ chối yêu cầu của khách hàng. Có như vậy mới giữ được uy tín và làm nghề được lâu dài.

Cùng với sự phát triển của các mặt hàng thời trang, nghề sửa chữa quần áo cũng được nhiều người lựa chọn để mưu sinh. Tuy không cho thu nhập cao nhưng công việc này lại khá ổn định. Để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", đòi hỏi người thợ sửa chữa quần áo không chỉ tỉ mỉ, cẩn thận trong từng đường kim, mũi chỉ mà còn cần cả sự khéo léo, tế nhị trong giao tiếp, cách xử lý tình huống và có phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy