Những con số thống kê về tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đuối nước nói riêng ở Hà Nam từ đầu năm đến nay cho thấy tình trạng đuối nước ở trẻ vẫn ở mức báo động. Thực trạng này vẫn là nỗi đau nhức nhối cho nhiều gia đình và xã hội.
Môi trường sống thiếu an toàn
Trong số 13 trẻ em tử vong do đuối nước trong 6 tháng đầu năm 2020, có 10 em dưới 5 tuổi. Đây là độ tuổi chưa nhận thức hết những tác động từ môi trường cũng như hành vi của bản thân đến sức khỏe và tính mạng. Mới đây, một cháu trai 5 tuổi ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân chơi xe đạp trẻ em không may lao xuống ao tử vong. Hay một trường hợp khác ở Bình Lục, cũng đi xe đạp và tự lao xuống kênh tử vong lúc địa phương đang lấy nước chuẩn bị vụ cấy lúa hè thu.
Nắng nóng kéo dài triền miên cả tháng trời, việc trẻ em tự ý ra ao, sông hồ tắm mát rất nhiều, chủ yếu là các cháu có bố mẹ đi làm xa, không có người quản lý, trông nom hoặc phải ở nhà với ông bà. Năm nay, việc học kéo dài qua hè do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân làm cho các gia đình gặp khó khăn trong quản lý con em mình. Thầy giáo Trần Gia Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tràng An, huyện Bình Lục nói: "Nếu như mọi năm, đến giữa tháng 5 dương lịch, các cháu đã thi xong, chờ nghỉ hè rồi, nhưng năm nay việc học kéo dài đến hết tháng 6, đầu tháng 7. Trong khi thời tiết nóng bức, các cháu tan học có thể tự rủ nhau ra sông, ra ao tắm mà bố mẹ, thầy cô không biết nên nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao. Bởi vì, ở nông thôn, phụ huynh đi làm xa nhiều, học sinh chủ yếu tự đi đến trường và tự về nhà…".
Nắm bắt tình hình, nhiều trường học đã phối hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý giờ giấc học hành của học sinh, bảo đảm an toàn và tránh nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ. Bác họ của cháu Nguyễn M.Q., xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân xót xa nói, có ai nghĩ rằng, cháu chỉ đi chiếc xe đạp 3 bánh bình thường của trẻ mà có thể gặp tai nạn thương tâm như thế. Chiều hôm ấy, ông nội cháu vừa mới đón cháu từ trường mầm non về, đang lúi húi chăm đứa em nhỏ hơn, không ngờ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, cháu đã rơi xuống ao tử vong.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, các ngành, các cấp dù đã triển khai thực hiện rất nhiều biện pháp ngăn ngừa đuối nước trẻ em, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Đặc biệt, năm nay, số trẻ em bị đuối nước tăng cao. Mỗi trường hợp có một tình huống tai nạn khác nhau, song tựu trung các cháu đều gặp tai nạn ở những môi trường sống không an toàn. Sự quản lý, chăm sóc của gia đình rất quan trọng, người lớn phải nắm rõ nguy cơ tai nạn đối với các cháu để có biện pháp phòng ngừa, xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ. Từ những vụ việc đuối nước xảy ra thời gian qua cho thấy, nhiều trẻ em chưa thực sự được bảo đảm an toàn trong mọi điều kiện sống, vui chơi.
Thận trọng với việc tắm ao, hồ, sông ngòi
Trời nắng nóng kéo dài cả tháng trời không dứt, đi về nhiều làng quê của Hà Nam những buổi chiều rất dễ bắt gặp cảnh trẻ em, người lớn ra ao, hồ, sông ngòi để tắm. Đuối nước đã xảy ra với cả những thanh niên 18 tuổi khi tắm ở kênh. Chị Trần Thị Phương, thôn 8, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân kể: "Hằng ngày, tại những con kênh thuộc địa bàn các xã: Xuân Khê, Nhân Mỹ, Nhân Thịnh, Hòa Hậu, nhiều người đưa con ra tắm, học bơi. Tuy nhiên, nước ở một số con kênh lên cao khi địa phương lấy nước phục vụ gieo cấy nên nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao. Cuối tháng 6 vừa qua, tại Cống Đỏ, một thanh niên 18 tuổi đi tắm với bạn đã tử vong do đuối nước".
Theo ông Nguyễn Chín Hiệp, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Lý Nhân, trên địa bàn huyện có mạng lưới sông ngòi dày, đặc biệt có những con sông lớn như sông Châu, sông Hồng, sông Long Xuyên… Năm nào cũng xảy ra tình trạng trẻ em bị đuối nước, nhưng thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước đối với các địa phương thực sự không dễ khi mô hình ngôi nhà an toàn chưa được quan tâm xây dựng, việc dạy bơi cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn.
Năm nay là năm học rất đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã kéo dài năm học qua các tháng hè. Thời tiết lại nóng bức, tình trạng tắm sông, ao hồ của trẻ sẽ khó kiểm soát hơn. Vì thế, cần phát huy vai trò của nhà trường, gia đình trong quản lý, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về nguy cơ mất an toàn khi tắm ở những khu vực không được bảo đảm an toàn, không có sự giám sát của người lớn, không có đồ bảo hộ bơi; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ năng bơi cho trẻ là thực sự cần thiết. Các địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm trong tuyên truyền, phổ biến nguy cơ đuối nước ở những nơi nguy hiểm như ao, kênh mương, sông ngòi trong mùa lấy nước về đồng.
Thực tế, số trẻ bị tử vong do đuối nước ở tỉnh ta thời gian qua chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, nghĩa là nguy cơ mất an toàn của trẻ chủ yếu là khu vực ao, hồ gần nhà. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nếu các địa phương chủ động triển khai thực hiện tốt mô hình ngôi nhà an toàn thì việc bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tai nạn thương tích sẽ tốt hơn.
Giang Nam