kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng

Xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, đặc biệt là trong nửa nhiệm kỳ qua Hà Nam đã chú trọng xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường xây dựng và quản lý đô thị ưu tiên xây dựng hạ tầng khung nhằm phát huy tối đa liên kết vùng và tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững.

Tập trung huy động nguồn lực, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn vốn cho xây dựng các dự án trọng điểm, cấp bách và có tính lan tỏa; trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu du lịch (đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc), trung tâm logistics, cụm cảng Yên Lệnh, Khu Đại học Nam Cao, khu thương mại, dịch vụ, trung tâm mua sắm lớn. Đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra chỉ tiêu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân chiếm 47% GRDP.

Xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, trong từng giai đoạn và từng năm, tỉnh đã quyết định chủ trương, triển khai thực hiện đầu tư nhiều dự án trọng điểm, kết nối liên vùng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt cũng như lâu dài. Các tuyến đường kết nối, động lực cho phát triển như: tuyến đường nối Ba Sao - Bái Đính; cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường nối vành đai 4 - vành đai 5 qua QL38 đến QL21 huyện Kim Bảng; đường bộ song hành QL21; nút giao Phú Thứ; ĐT 495B; tuyến đường kết nối 2 đền Trần; tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các bước tiếp theo của dự án tuyến đường song hành 2 bên đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại Hà Nam (giai đoạn 1); và các dự án, công trình trọng điểm như: Khu du lịch Tam Chúc; Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức, Dự án Cụm cảng Yên Lệnh… và các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai xây dựng. Nhiều dự án đã sớm được đưa vào khai thác hoặc khai thác một phần phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội như đường giao thông phục vụ Khu du lịch Tam Chúc bảo đảm đi lại thuận tiện, dễ dàng, đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh.

Xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng
Nhà thầu thi công tuyến đường nối Ba Sao - Bái Đính (ảnh trên).

Bên cạnh đó, Hà Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn tỉnh như: Dự án nâng cấp, cải tạo QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa; Dự án thành phần II (giai đoạn II) thuộc Dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Bảo đảm các dự án triển khai thuận lợi, đáp ứng yêu cầu tiến độ, các ngành, địa phương tăng cường phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao phục vụ thi công.

Tại thành phố Phủ Lý, trong nửa nhiệm kỳ qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tham mưu triển khai thực hiện 154 dự án giải phóng mặt bằng và đôn đốc, thực hiện các dự án khác theo kế hoạch, nhất là các dự án hạ tầng giao thông kết nối, các khu thương mại, dịch vụ. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Phủ Lý cho biết: Có nhiều dự án trọng điểm, cấp bách hoàn thành giải phóng mặt bằng trước thời hạn bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng đúng tiến độ, góp phần quan trọng phát triển đô thị.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, tỉnh chỉ đạo triển khai lập Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2023; công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng (khu công nghiệp, công nghệ cao, du lịch, đào tạo,…) đã được ưu tiên nghiên cứu thực hiện, bảo đảm quy hoạch đi trước một bước, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó tỉnh đã lập, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025 để tạo nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án trọng điểm và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quý I năm 2023, tập trung triển khai các dự án và thực hiện phân bổ vốn và giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo đúng tiến độ nhằm đạt được kế hoạch đề ra, công tác giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm được triển khai quyết liệt, xây dựng phương án giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng, thanh toán vốn; các dự án đầu tư mới đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, hoàn thiện thủ tục đầu tư; các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm 2022 được tập trung hoàn thiện. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2023 ước đạt 9.080,1 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I/ 2023 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước đang được tập trung đẩy mạnh ngay từ đầu năm như: dự án xây dựng các trạm bơm đầu mối, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai T4 (đoạn tiếp nối với thành phố Phủ Lý đến tuyến ĐT499B) huyện Thanh Liêm. Các dự án đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng như: dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ  đường vành đai 4, 5 qua QL38 đến QL21 huyện Kim Bảng; dự án hạ tầng Khu du lịch chùa Bà Đanh (giai đoạn 2)…

Xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng
Trạm bơm Thịnh Châu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng các trạm bơm đầu mối khu vực thành phố Phủ Lý đang được đẩy nhanh tiến độ thi công (ảnh trên). Ảnh: Tiến Đoàn

Đi liền với đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và trật tự đô thị: tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công trên địa bàn; xây dựng ban hành các quy định về quản lý đầu tư công của tỉnh phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tế địa phương; đẩy mạnh phân cấp đầu tư, tăng cường trách nhiệm đầu tư của cấp huyện, cấp xã trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Mặc dù trong nửa nhiệm kỳ qua có nhiều khó khăn nhưng tỉnh ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư phát triển, bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2021 đạt 35.718 tỷ đồng, chiếm 53,6% GRDP; năm 2022 đạt 39.500 tỷ đồng chiếm 50,3% GRDP, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX mức vốn đầu tư phát triển bình quân chiếm 47% GRDP.

Hạ tầng kết nối các tuyến đường quốc gia, các khu, cụm công nghiệp, cảng logistics; hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch; hạ tầng nông thôn từng bước đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, bảo đảm tính bền vững đang mang đến một diện mạo mới, khẳng định tính đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy