Theo phản ánh của người dân xã La Sơn (Bình Lục), tuyến đường tỉnh (ĐT)495B được đầu tư xây dựng gần 10 năm qua nhưng đến nay công trình chưa hoàn thiện. Đây là dự án đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn bảo vệ dân cư miền núi của các xã: Thanh Nguyên, Thanh Nghị (Thanh Liêm) kết nối từ quốc lộ (QL) 1A đến QL21A qua địa phận huyện Bình Lục được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 534/QĐ-UBND ngày 10/5/2011, tuy nhiên, từ năm 2016 dự án đã tạm dừng thi công.
Cùng với dự án ĐT495B, hiện nay ở Bình Lục còn có một số dự án giao thông khác thi công dở dang như dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyện (ĐH)04 dài 6,43 km được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-UBND tỉnh ngày 28/10/2016 thực hiện theo 2 giai đoạn nhưng đến nay dự án chưa hoàn thành. Ở giai đoạn 2, đoạn đường dài gần 1,4 km từ Ba Hàng đến Đa Côn (xã Vũ Bản) chưa thi công, trong khi đó mặt đường ở khu vực này đang xuống cấp. Còn tại các dự án: xây dựng tuyến D4 kết nối từ QL21B về thị trấn Bình Mỹ dài 2,4 km và tuyến đường số 13 dài 1,4 km đều được khởi công đầu năm 2020, nhưng đến tháng 5/2022 cũng đã tạm dừng thi công.
Với phương châm giao thông phải đi trước một bước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Bình Lục đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối với các địa phương trong tỉnh. Một số công trình giao thông của huyện được xây mới và nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu đi lại, giao thương của nhân dân. Tuy nhiên, do thiếu vốn, và gặp khó khăn do dịch bệnh, biến động của giá cả thị trường dẫn đến một số dự án xây dựng dở dang, chưa hoàn thành theo đúng kế hoạch. Do thiếu vốn một số công trình giao thông ở Bình Lục phải điều chỉnh quy mô đầu tư hoặc gia hạn thời gian hoàn thành dự án.
Cụ thể, cầu Châu Giang bắc qua sông Châu nối xã Hưng Công (Bình Lục) với xã Nhân Chính (Lý Nhân) được khởi công từ giữa năm 2017 và theo kế hoạch cuối năm 2019 đưa vào khai thác nhưng đến thời điểm này dự án chưa thông xe kỹ thuật. Hay Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT496 được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 8/4/2010 với quy mô đường cấp V đồng bằng, nền 7,5 m và mặt đường 5,5 m, chiều dài toàn tuyến 19,3 km qua các xã: Tràng An, Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh. Tuyến đường nhằm kết nối với các xã ở phía Đông Nam của huyện Lý Nhân. Do khó khăn về nguồn vốn, cuối năm 2016, UBND tỉnh điều chỉnh dự án với quy mô mặt nền 5,5 m và mặt đường rộng 3,5 m (đường cấp VI đồng bằng). Theo đó, tuyến đường chỉ cải tạo mặt đường hiện trạng, không thực hiện giải phóng mặt bằng theo mốc đã cắm tại hiện trường. Mặc dù, tuyến đường đã hoàn thành, song do điều chỉnh quy mô dự án nên một số đoạn qua khu dân cư ở các thôn: Quyết Thắng, Nội 1, An Bài (xã Đồng Du) không được mở rộng, mặt đường nhỏ hẹp ảnh hưởng đến việc lưu thông qua khu vực.
Ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tràng An cho biết: Tuyến ĐT496 chạy qua xã Tràng An dài khoảng 3,5 km, chạy dọc các thôn Mỹ Duệ, Dân Khang Ninh, Hòa Thái Thịnh. Đây là đường trục chính của xã, vì thế mật độ các loại phương tiện giao thông gia tăng ở mọi thời điểm, nhưng mặt đường hẹp, thường xuyên xảy ra các va chạm về giao thông, rất mong được các cấp, ngành bố trí vốn tiếp tục xây dựng theo mốc đã cắm trên hiện trường để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, giao thương trên địa bàn. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2021 tuyến đê bối sông Châu tại thôn Bãi Vĩnh được tỉnh triển khai dự án xử lý sạt lở và tràn đê bối nhưng mới xây dựng nền đường đạt khoảng 70% khối lượng. Công trình thi công dở dang, hiện nay kết cấu mặt đê và tường chắn chưa triển khai, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Không chỉ có một số tuyến đường xây dựng dở dang, ở huyện Bình Lục còn có 2 cây cầu dân sinh bắc qua sông Châu là cầu Bồ Đề và cầu An Ninh nối 2 huyện Bình Lục với Lý Nhân được xây dựng từ lâu hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Các cây cầu này đều nằm trên tuyến đường trục xã, có chiều dài 70 m, chiều rộng 2m, kết cấu dầm thép, trụ đỡ bê tông cốt thép, mặt cầu lát bằng tấm đan bê tông. Ông Trần Văn Bình ở thôn Văn Ấp (xã Bồ Đề) phản ánh, trước năm 2019 cầu thu phí nên thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, nay lan can, mặt cầu đã hỏng, mỗi khi điều khiển xe máy qua cầu, cây cầu rung lắc mạnh tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Rất mong các cấp, ngành quan tâm xây dựng cây cầu mới bảo đảm giao thông êm thuận.
Với mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung để xây dựng huyện trở thành vùng phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, hiện tại mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Bình Lục được quy hoạch cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối giao thông thuận tiện giữa các vùng. Theo Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 31/9/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch vùng huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tới đây cầu An Ninh và Bồ Đề được lập dự án đầu tư xây dựng với quy mô phù hợp. Với dự án cải tạo, nâng cấp tuyến ĐH04, ngày 22/6/2022 UBND huyện đã có Tờ trình số 181/TTr- UBND huyện gửi UBND tỉnh, các ngành liên quan thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai các bước tiếp theo (giai đoạn 2).
Ông Vũ Trọng Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Lục cho biết: Với dự án xây dựng tuyến đường D4 kết nối từ QL21B về thị trấn Bình Mỹ và tuyến đường số 13, vừa qua UBND huyện đã chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, theo đó các dự án tiếp tục thi công trong tháng 10/2022. Còn tuyến ĐT495B, ngày 20/4/2022 HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương dừng thực hiện dự án tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND và sẽ triển khai ở giai đoạn tới. Theo kế hoạch, tháng 12/2024 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác. Dự án xử lý sạt lở và tràn đê bối tại xã Tràng An, ngày 9/6/2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình số 77/TTr-SNN xin cấp thẩm quyền bố trí vốn để tiếp tục thi công.
Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện các công trình dở dang ở Bình Lục không những phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại, bảo đảm ATGT và thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương giữa các địa phương. Mong rằng, các dự án sớm được bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông trên địa bàn và trong khu vực. Qua tìm hiểu được biết, chủ đầu tư đặc biệt quan tâm ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện những công trình thi công dở dang; các nhà thầu tích cực, chủ động, nghiêm túc thực hiện cam kết theo hợp đồng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phùng Thống