Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

Với mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả, có đóng góp nhiều hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, sáng 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Hội nghị có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các Bộ, ngành; cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; các đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, tình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến làn sóng đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý I/2023 đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị được tổ chức nhằm truyền tải thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với khu vực đầu tư nước ngoài. Hội nghị cũng khẳng định về một Chính phủ tin cậy, luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã tập trung thảo luận, đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới; đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đánh giá kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên các lĩnh vực, ngành nghề; vấn đề xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế…

Các đại biểu dự hội nghị cũng đã trao đổi, đánh giá, nhận diện những thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam trong thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự ủng hộ, tin tưởng vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua và mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong tháo gỡ các khó khăn, vuớng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư...

Hội nghị cũng đã nghe đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương chia sẻ về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; trao đổi, làm rõ hơn về những vấn đề mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quan tâm, nhất là về nguồn lao động, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Đồng thời có ý kiến kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả, sự chia sẻ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua. Đồng thời khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; tích cực quyết liệt  tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Trên cơ sở chỉ rõ những khó khăn, thách thức, hạn chế, bất cập còn tồn tại trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu tại hội nghị để chủ động giải pháp xử lý theo chức năng, quyền hạn của mình; chủ động nắm bắt, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư; rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền, bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh hợp tác công tư trên các lĩnh vực để huy động các nguồn lực; động viên hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới như mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; đa phương hóa, đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư; điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thành viên để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động; tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn; quan tâm xây dựng mạng lưới liên kết giữa các thành viên trong nước và nước ngoài; chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận định các thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp hội viên.

Về phía các doanh nghiệp, cần thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tận dụng các cơ hội và lợi thế mỗi bên; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; quan tâm cải thiện môi trường làm việc, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người lao động; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, nắm bắt tốt cơ hội, hợp tác cùng phát triển hướng đến sự thịnh vượng trong thời gian tới.

 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.