Thanh Liêm đẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương nội đồng

Huyện Thanh Liêm có gần 6.000 ha đất canh tác với cốt đất trũng, cao, thấp không đều, gây khó khăn trong quá trình sản xuất. Để khắc phục hạn chế này, huyện Thanh Liêm đã quan tâm cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng giúp chủ động và bảo đảm tưới tiêu.

Xã Thanh Tâm nơi có 340 ha đất canh tác, thuộc vùng bán sơn địa với nhiều diện tích sản xuất ven đồi. Đây cũng là vùng giáp ranh với tỉnh Nam Định, nằm ở cuối nguồn tưới, tiêu của hệ thống thủy nông do Xí nghiệp Thủy nông huyện quản lý. Trong tổng số diện tích đất canh tác chỉ có 35% được tưới chủ động từ hệ thống thủy lợi Nhà nước, còn lại là tạo nguồn và tạo nguồn một phần. Để phục vụ tưới, tiêu cho mùa vụ, địa phương xây dựng 2 máy bơm điện cố định và 6 máy bơm điện dã chiến, do có diện tích đất quá cao phải sử dụng máy bơm dã chiến chuyển nước tưới 2 – 3 cầu. Những năm gần đây xã Thanh Tâm đã đẩy mạnh thực hiện kiên cố hóa kênh mương. Theo đó, địa phương đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kiên cố hóa, tâp trung vào hệ thống kênh tưới. Tính từ năm 2018 đến 2021, xã Thanh Tâm đã thực hiện kiên cố hóa được 6 km kênh tưới chính, đạt 60% chiều dài các tuyến kênh chính do HTXDVNN quản lý, vận hành. Trong năm 2022, địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán tiếp tục kiên cố hóa 2 tuyến kênh tưới, có tổng chiều dài 1,7 km. Ngoài ra, tuyến kênh tiêu trục chính đảm nhiệm tiêu úng gần 200 ha đất canh tác của xã, có chiều dài 2,3 km chạy qua địa bàn xã đang được cấp trên đầu tư kiên cố…

Thanh Liêm đẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương nội đồng
Kiên cố hóa kênh tiêu KN A12 trên địa bàn xã Thanh Tâm (Thanh Liêm).

Kênh mương trục chính được kiên cố hóa góp phần giúp địa phương áp dụng các mô hình sản xuất mới. Điển hình, Thanh Tâm đã quy hoạch 50 ha gọn vùng sản xuất giống lúa thuần nguyên chủng liên kết với doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao gấp 1,2 lần so với cấy lúa thương phẩm. Tại địa phương đã hình thành vùng sản xuất cây dược liệu kim ngân diện tích 5 ha, cho giá trị cao gấp 2 – 3 lần cấy lúa. Trong vụ mùa năm 2022 vừa qua, Thanh Tâm đã xây dựng được mô hình 20 ha lúa cấy bằng máy, hướng tới mở rộng trong những vụ tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc HTXDVNN Thanh Tâm cho biết: Kênh mương nội đồng được kiên cố hóa tạo thuận lợi  cho sản xuất. Việc lấy nước tưới kịp thời, rút ngắn khoảng 40% thời gian phục vụ… Quan trọng hơn, kênh mương được kiên cố hóa giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng giúp địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021.

Tại nhiều địa phương, HTXDVNN của huyện Thanh Liêm đã tích cực thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ phát triển sản xuất. Tại HTX Thanh Nguyên (xã Thanh Nguyên) việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng cũng được quan tâm triển khai. Hiện HTX đã thực hiện kiên cố hóa được hơn 3km, chiếm 50% chiều dài các tuyến kênh tưới trục chính. Gần nhất, trong đợt làm thủy lợi nội đồng mùa khô 2021 HTXDVNN Thanh Nguyên đã thực hiện kiên cố hóa được hơn 300m kênh. Kênh mương trục chính được kiên cố hóa tạo thuận lợi để HTX Thanh Nguyên sản xuất 3 vụ trong năm. Riêng vụ đông hằng năm duy trì được hơn 20 ha cây trồng các loại, trong đó cây ngô nếp cho hiệu quả kinh tế cao chiếm 80% diện tích.

Ông Đào Xuân Sáng, Giám đốc HTXDVNN Thanh Nguyên cho biết, thời gian qua, Hội đồng quản trị HTX luôn xác định nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống kênh mương đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất. Do vậy, HTX huy động từ nhiều nguồn để từng bước hoàn thiện kiên cố hóa toàn hệ thống…

Hiện toàn huyện Thanh Liêm đã có 92 km kênh nội đồng được kiên cố hóa, chiếm hơn 22% tổng chiều dài các tuyến kênh nội đồng. Riêng năm 2021, các địa phương, HTX trong huyện đã thực hiện kiên cố hóa được hơn 16 km kênh tưới nội đồng. Năm 2022, huyện Thanh Liêm đã xây dựng kế hoạch kiên cố hóa một số tuyến kênh chính nội đồng phục vụ sản xuất.

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm đánh giá: Các tuyến kênh được kiên cố hóa đều được lựa chọn nằm trong hệ thống đầu mối nội đồng, kênh dẫn trạm bơm và các tuyến trọng yếu bảo đảm phục vụ sản xuất trên đồng ruộng. Do vậy, năng lực phục vụ tưới, tiêu trên địa bàn đã nâng lên đáng kể. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương sử dụng hiệu quả nguồn thủy lợi phí cấp bù, dành một phần duy tu, bảo dưỡng và xây dựng những tuyến kênh cấp thiết phục vụ sản xuất.

Kiên cố hóa giúp năng lực phục vụ của hệ thống kênh mương được nâng lên, sản xuất trên đồng ruộng của Thanh Liêm có những thay đổi đáng kể. Từ chỗ nằm trong vùng trũng, những năm trước người dân trong huyện đã áp dụng trên 90% diện tích lúa gieo thẳng đòi hỏi khắt khe về điều tiết nước. Năm 2022, kênh mương được bảo đảm đã tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất bằng việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy lên trên 25% tổng diện tích trong vụ mùa… Sản xuất trên đồng ruộng của huyện đang có những thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giúp nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy