Tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

Nhiều năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã mở rộng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thông qua nguồn vốn tín dụng không chỉ góp phần tăng trưởng được dư nợ bền vững, phát triển kinh tế hộ mà còn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ước tính đến hết tháng 11/2023, tổng nguồn vốn đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ của các ngân hàng thương mại khoảng hơn 27.739 tỷ đồng với 102.741 khách hàng còn dư nợ, còn lại dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong tổng nguồn vốn trên: Dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.498 tỷ đồng, tăng 3,96% so với đầu năm, với 18.285 khách hàng còn dư nợ; nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa đạt 32 tỷ đồng, với 74 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay theo mô hình liên kết 4 nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi đạt 98 tỷ đồng, với 400 khách hàng còn dư nợ.

Đối với nguồn vốn tín dụng chính sách, dư nợ cho vay tại khu vực nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hơn 2.888 tỷ 668 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 78,13% tổng nguồn vốn dư nợ vốn tín dụng chính sách, tăng 782 tỷ 517 triệu đồng so với đầu năm 2021. Nguồn vốn giải ngân tập trung vào một số lĩnh vực chính như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 1.750 tỷ 273 triệu đồng (chiếm 76,48% dư nợ ); cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn (xây nhà ở; cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; giáo dục và đào tạo;...) là 467 tỷ 576 triệu đồng (chiếm 20,43%); cho vay ngành công nghiệp, thương mại và cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp là 70 tỷ 825 triệu đồng (chiếm 3,07% dư nợ).

Thông qua nguồn vốn, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ. Điển hình như, gia đình ông Lại Văn Soàn đã thuê diện tích khoảng 2 ha đất ở xã Đồn Xá (Bình Lục) xây dựng trang trại chuyên nuôi bò thịt và bò giống. Quy mô trang trại thường xuyên có gần 500 con bò 3B được nuôi gối sóng, theo quy trình khép kín, bò giống mua về ở riêng một khu, sau đó được tiêm phòng đầy đủ, khỏe mạnh, có xác nhận của cơ quan thú y mới đưa vào nuôi vỗ béo. Bò thịt khi xuất chuồng con to trọng lượng lên tới cả tấn, con nhỏ cũng 700-800 kg.

Cũng như gia đình ông Soàn, nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã đầu tư nguồn vốn tín dụng phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao. Theo ông  Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam II cho biết: Mở rộng đầu tư giải ngân vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những chiến lược hoạt động của nhiều ngân hàng hiện nay. Đến nay, chi nhánh đang giải ngân 7.400 tỷ đồng cho khách hàng vay, trong đó có 70% nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với khoảng 13.500 hộ đang sử dụng nguồn vốn (bình quân mỗi hộ đang vay khoảng 380 triệu đồng). Vốn tín dụng của ngân hàng đã góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho khách hàng là hộ gia đình vay vốn thuận lợi, chi nhánh đã mở rộng cho hộ vay theo hạn mức tín dụng đến 500 triệu đồng. Đồng thời, đơn vị chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc phân công cán bộ tín dụng tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn của từng hộ gia đình, tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân làm thủ tục vay vốn tiếp cận với dịch vụ mới nhanh chóng, thuận lợi.

Tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Đồng Văn (Duy Tiên). Ảnh: Trần Thoan

Cùng với mở rộng cho vay kinh tế hộ, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, các ngân hàng cho vay vốn đến 100 triệu đồng không phải làm thủ tục thế chấp tài sản bảo đảm, chỉ phải nộp cho ngân hàng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sử dụng đất. Đối với khách hàng vay vốn trên 100 triệu đồng, khi đi đăng ký giao dịch bảo đảm được miễn hoàn toàn lệ phí đăng ký giao dịch; thủ tục hồ sơ vay vốn đơn giản, thời gian giải quyết cho vay nhanh chóng. Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn có thể được giải quyết ngay trong ngày. Chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhanh chóng rút được nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng: tiếp tục coi nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và mở rộng tín dụng; xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; triển khai kịp thời các quy định mới về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất; cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, chú trọng phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy