kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tạo sức bật từ chương trình cải thiện môi trường đầu tư

Tạo sức bật từ chương trình cải thiện môi trường đầu tư

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu năm 2024, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 65,0 điểm... Đó là mục tiêu, đồng thời cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hà Nam trong những năm qua.

Linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư

Là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, Hà Nam đang được đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào. Năm 2023, với mục tiêu tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh, tỉnh Hà Nam đã và đang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Thực hiện phương châm “xúc tiến tại chỗ”, nhiều giải pháp cải cách môi trường đầu tư đã được Hà Nam triển khai hiệu quả. Trên cơ sở thường xuyên trao đổi, liên lạc, thiết lập mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, tỉnh đã đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động xúc tiến đầu tư như: Tổ chức làm việc với các đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh; làm việc với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam để giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh. Trong các chuyến xúc tiến đầu tư, đoàn công tác của tỉnh trực tiếp gặp gỡ, mời gọi đầu tư: Giới thiệu những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, kết quả thu hút đầu tư, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào địa phương; đồng thời, lắng nghe ý kiến trao đổi của nhà đầu tư; giải đáp thắc mắc, mối quan tâm của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh; cam kết thực hiện những nội dung mà nhà đầu tư kỳ vọng.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 31/10/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 47 dự án (tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2022) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư của 32 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 393,8 triệu USD và 8.427,6 tỷ đồng (bằng 95% và 69% so cùng kỳ).

Tạo sức bật từ chương trình cải thiện môi trường đầu tư
Đoàn công tác của tỉnh Hà Nam chụp ảnh lưu niệm với thành viên Hội đồng Nghị viện tỉnh Gyeonggi - do (Hàn Quốc) trong chuyến thăm Hội đồng nghị viện tháng 11/2023.

Bên cạnh các hoạt động “xúc tiến tại chỗ”, tỉnh cũng duy trì đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, bảo đảm các dự án triển khai đúng tiến độ nhằm tiếp tục củng cố lòng tin, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Trong năm 2023, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, từ đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu (Đức, Hà Lan, Hungary), Singapore và Mỹ... để giới thiệu, quảng bá lợi thế tiềm năng, định hướng thu hút đầu tư và những cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Đồng thời xây dựng các ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư bằng các ngôn ngữ: Việt, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... cung cấp thông tin xây dựng các chuyên đề giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư của tỉnh.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo lợi thế thu hút đầu tư

Với quan điểm thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc các dự án tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng sử dụng ít công nhân; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, tỉnh đã và đang tập trung mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh phù hợp với định hướng đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh việc tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao Hà Nam, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối, thông suốt; hệ thống hạ tầng cấp điện, viễn thông và cấp thoát nước đến chân hàng rào nhà máy, đáp ứng đầy đủ, ổn định nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Tiếp đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai,... đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế, trực tiếp làm đầu mối thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tài sản trên đất; chú trọng phát huy, quảng bá các lợi thế; quan tâm chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội, như: Nhà ở công nhân, nhà trẻ, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh quan tâm quy hoạch và thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai đồng bộ với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và khu vui chơi giải trí phục vụ chuyên gia và người lao động; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, nhất là các dịch vụ về điện, nước sạch, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 8/8 khu công nghiệp (KCN) đã và đang được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng trên diện tích 2.292,06 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 1.652,8 ha. Lũy kế đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.156 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, có 369 dự án FDI và 787 dự án trong nước với vốn đăng ký là 5,415,5 USD và 168.894,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 5.800 doanh nghiệp đang hoạt động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 (giá ss 2010) ước đạt 195.058,7 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ và đạt 98,5% kế hoạch. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 11,4% so cùng kỳ. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trưởng 9,41% và được đánh giá là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 8 toàn quốc.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Một số chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá thấp: việc tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh là không dễ dàng, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà; việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý của tỉnh còn khó khăn; thời gian để doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị các cơ quan nhà nước cung cấp còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa thực sự làm hài lòng doanh nghiệp; lao động qua đào tạo nghề có kỹ năng, trình độ trung cấp, cao đẳng còn thấp; số lao động có chuyên môn, kỹ thuật, có kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế; chất lượng đào tạo lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được cải thiện...

Vì vậy, để sớm khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, tiếp tục tạo sức bật từ chương trình cải thiện môi trường đầu tư, thời gian tới, Hà Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai có hiệu quả dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chung của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm, dự án công nghệ cao…

Theo đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trước mắt, cần xác định đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong từng thời kỳ; cụ thể là xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh cho giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, thu hút vốn FDI theo 4 định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao; tiếp tục thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà các dự án được lựa chọn phải có đầy đủ năng lực tài chính cũng như công nghệ phải tiên tiến, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mới, đặc biệt là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy; căng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước; công khai kế hoạch và các thủ tục đầu tư bằng nhiều hình thức; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh...

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy