Nỗ lực cải thiện Chỉ số Chi phí không chính thức

Chi phí không chính thức là một trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) dùng để đo lường các khoản chi phí phát sinh khi doanh nghiệp giao dịch với cơ quan nhà nước khi thực hiện quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp xem xét, cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp để cải thiện chỉ số này.

Thực tế cho thấy, việc chi trả những chi phí không chính thức quá lớn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính như thực hiện thủ tục thuế, tiếp cận tín dụng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, vận tải, lưu thông hàng hóa, thanh tra, kiểm tra… sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí sản xuất. Từ đó, buộc phải hạch toán vào giá thành sản xuất kéo theo tăng giá bán sản phẩm ra thị trường để bảo đảm lợi nhuận. Tuy nhiên, giá thành cao khiến cho sản phẩm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, trong việc chỉ đạo cải thiện Chỉ số PCI những năm gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo cải thiện Chỉ số Chi phí không chính thức. Điều này thể hiện rõ qua kết quả đạt được trong những năm trở lại đây.

Số liệu điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, Chỉ số Chi phí không chính thức của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2022 liên tục có sự cải thiện và nâng cao về thứ hạng. Riêng năm 2022, Chỉ số Chi phí không chính thức đạt 6,87 điểm, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố (tăng 0,24 điểm và tăng 8 bậc so với năm 2021). Đây cũng là một trong 5 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI có sự tăng cả về điểm số và thứ hạng trong năm 2022, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Ông Nguyễn Anh Tiến, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh cho biết: Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, đồng hành cùng với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này thể hiện rõ nét nhất thông qua việc lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với doanh nghiệp, các tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp đã được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, trong đó có việc giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, hoạt động, nhất là những thủ tục liên quan đến xây dựng, đấu thầu, đất đai, cấp giấy phép hoạt động kinh doanh có điều kiện…

Nỗ lực cải thiện Chỉ số Chi phí không chính thức
Cán bộ Sở Tư pháp tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh. Ảnh: Hân Hân

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, phân tích cụ thể các chỉ tiêu thành phần thuộc Chỉ số Chi phí không chính thức của tỉnh Hà Nam năm 2022 cho thấy, có tới 11/16 chỉ tiêu được doanh nghiệp đánh giá cao, có sự cải thiện về thứ hạng so với năm 2021 và đạt điểm khá so với trung bình cả nước. Cụ thể là: Có 21% doanh nghiệp được hỏi trả lời họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố (tăng 39 bậc); 22% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra môi trường, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 21 bậc); 71% doanh nghiệp cho rằng có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra xây dựng, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc); 36% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 33 bậc); 35% doanh nghiệp cho rằng phải chi trả “hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 18 bậc); 45% doanh nghiệp được hỏi cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc); 64% doanh nghiệp cho rằng công việc thường xuyên đạt được kết quả như mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc); 75% doanh nghiệp đánh giá hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc); 90% doanh nghiệp đồng ý về các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc); 45% doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ phải chi trả chi phí không chính thức cho các cơ quan chuyên ngành khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc); 54% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ quản lý thị trường, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc).

Bên cạnh kết quả đạt được, qua khảo sát cho thấy còn một số mặt hạn chế, tồn tại vẫn diễn ra phổ biến trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Trong đó, đáng nói là 5% doanh nghiệp cho biết phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, cao hơn trung bình cả nước là 3,82% (tăng 2% và giảm 21 bậc so với năm 2021). Ngoài ra, vẫn còn 23% doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (giảm 17 bậc so với năm 2021); 11% doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (giảm 24 bậc so với năm 2021); 50% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra thuế (giảm 6 bậc so với năm 2021); 24% doanh nghiệp có tranh chấp song không lựa chọn tòa án để giải quyết do lo ngại tình trạng “chạy án” là phổ biến (giảm 23 bậc so với năm 2021).

Trước thực trạng trên, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ những biện pháp nhằm tiếp tục duy trì, nâng cao thứ hạng các chỉ tiêu thành phần trong Chỉ số Chi phí không chính thức, góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2023, Chỉ số CPI của Hà Nam sẽ tăng từ 6-8 bậc so với năm 2022. Cụ thể, Thanh tra tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, đề xuất xử lý những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao có hành vi, biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan; rà soát, điều chỉnh, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không cần thiết đối với doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước trong giải quyết công việc gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy