Ngành ngân hàng ưu tiên cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh

Với mục tiêu từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thời gian qua các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc rà soát, giải ngân vốn cho khách hàng đầu tư phát triển kinh tế, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khách hàng lo lắng lãi suất cho vay tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. 

Ngay trong đầu tháng 2/2023, nhiều ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất cho vay 12 tháng từ 11,5 - 13,5%, thậm chí có ngân hàng lãi suất tới 14%. Theo lý giải của các NHTM, trong thời điểm hiện nay các ngân hàng phải huy động vốn đầu vào đều trên 8%, dự trữ bắt buộc quy định tăng cao dẫn tới lãi suất tăng theo. Còn theo các doanh nghiệp khi vay vốn với lãi suất 13- 14% đầu tư cho sản xuất, kinh doanh dẫn tới chi phí đầu vào tăng lên, trong khi đó đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn.

 Ông Nguyễn Xuân Luật, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Minh Luật (Bình Lục) cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid - 19, thị trường bất động sản trầm lắng, thu cân đối ngân sách nhà nước giảm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu như lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng cao, các doanh nghiệp lại càng gặp khó khăn. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp xây dựng, khi chủ đầu tư nợ vốn, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, doanh nghiệp phải làm thủ tục vay vốn ngân hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn vốn vay, doanh nghiệp đã kịp thời giải ngân để mua vật liệu xây dựng, trả lương công nhân, bảo đảm tiến độ xây dựng các công trình để bàn giao cho chủ đầu tư theo hợp đồng. Tuy nhiên, lãi suất tăng thêm 1-3% sẽ khiến doanh nghiệp phải chi phí đầu vào tăng cao, trong khi đó chủ đầu tư vẫn nợ đọng vốn. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần có chính sách quản lý tiền tệ cho phù hợp, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Ngành ngân hàng ưu tiên cho vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh
Nhân viên NHTM cổ phần Liên Việt, Chi nhánh Hà Nam tư vấn cho khách hàng vay vốn.  Ảnh: Hòa Hậu

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, ước đến hết tháng 1/2023, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt gần 66.000 tỷ đồng. Trong số trên, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn hơn 28.148 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp khoảng 36.896 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn đầu tư cho vay các lĩnh vực khác. Trong quý I, nhiều  NHTM dư nợ tín dụng giảm do khách hàng đầu năm chưa sử dụng vốn sản xuất, kinh doanh, trả nợ vốn ngân hàng. Một số khách hàng tính toán trả nợ bớt ngân hàng khi lãi suất cho vay điều chỉnh tăng.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, thời gian qua các NHTM trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các NHTM đã tập trung đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chủ động cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các NHTM tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và tổ chức triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT. Các NHTM chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam  II cho biết: Dự báo trong năm 2023, tiếp tục sẽ là một năm khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh. Xác định được điều đó, Chi nhánh Agribank Hà Nam II bám sát  các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, tập trung nguồn vốn cho khách hàng vay phát triển kinh tế theo từng nhóm lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ - thương mại, cho vay kinh tế hộ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, hỗ trợ khách hàng kịp thời phục hồi sản xuất, kinh doanh. Về tăng trưởng tín dụng, chi nhánh dự kiến xin cấp trên từ 7- 11% để phục vụ khách hàng. Nhiều khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời gian trả nợ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì được sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Cũng như Chi nhánh Agribank Hà Nam II, để hoàn thành kế hoạch được giao và kịp thời giải ngân vốn cho phát triển kinh tế, ngay trong quý I các NHTM trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Các NHTM cũng tiếp tục ưu tiên đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai các thông tin về quy trình, thủ tục khi giải ngân vốn... phấn đấu tăng trưởng hiệu quả nguồn vốn tín dụng.

 Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy