Mục đích cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao là làm cho chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Do vậy, trong quá trình triển khai xây dựng, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.
Xác định, chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao càng về đích sớm ngày nào thì người dân địa phương được hưởng lợi sớm hơn ngày đó, trong những năm qua, xã Thanh Hương (Thanh Liêm) đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định. Trong đó, xã đặc biệt quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người đều hiểu rõ, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình xây dựng NTM chính là người dân. Từ đó, các thôn, xóm trên địa bàn xã đã huy động tối đa sức mạnh tập thể trong nhân dân và các nguồn lực xã hội hóa đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới cơ sở hạ tầng, góp phần hoàn thành các tiêu chí: giao thông, văn hóa, môi trường, giáo dục, điện, thông tin và truyền thông, quốc phòng và an ninh…
Minh chứng rõ ràng nhất là các nhà văn hóa thôn liên tục được sửa chữa, xây dựng mới. Nếu như năm 2014, toàn xã mới chỉ có 15% số thôn có nhà văn hóa để sinh hoạt, hội họp thì đến nay, 100% các thôn của xã đã xây dựng nhà văn hóa mới đạt chuẩn theo yêu cầu của xã NTM, NTM nâng cao. Để có nguồn kinh phí xây dựng, ngoài sự đóng góp trong nhân dân, các thôn còn kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, con em của quê hương có điều kiện kinh tế khá giả sinh sống ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đơn cử như ở thôn Lác Nội (xã Thanh Hương), với quan điểm: “Có kinh phí đến đâu xây dựng đến đó”, những năm gần đây, thôn liên tục nâng cấp, xây dựng các công trình. Tính riêng từ năm 2022 trở lại đây, thôn Lác Nội đã huy động được trên 500 triệu đồng và nhiều hiện vật bằng xi măng, sơn, cát… để xây dựng tường bao, sân thể thao, sơn sửa mới toàn bộ khuôn viên nhà văn hóa thôn. Cùng với đó, xây dựng mới cổng chào, đình làng; lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng, dụng cụ tập luyện thể thao, ghế đá, camera giám sát xung quanh khu vực nhà văn hóa thôn...
Bà Bùi Thị Năm, Bí thư Chi bộ thôn Lác Nội phấn khởi cho biết: Để xây dựng NTM, NTM nâng cao, kinh nghiệm của thôn Lác Nội là biết lượng sức dân, khơi dậy sức dân cộng với huy động nguồn lực xã hội hóa từ các mạnh thường quân. Đối với mỗi công trình khi triển khai xây dựng, nhiều con em công tác xa quê và những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả trong thôn đã đóng góp thêm vài triệu đến vài chục triệu đồng. Một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ sơn, xi măng… Đến thời điểm này, thôn vẫn đang tiếp tục nhận được sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để có nguồn kinh phí lắp đặt bổ sung dụng cụ thể thao cho các cháu thiếu nhi; xây dựng bể bơi phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân.
Tương tự, tại xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên), để “cán đích” NTM nâng cao năm 2022 theo đúng kế hoạch, các thôn cũng huy động rất tốt các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Theo ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại, từ năm 2020 đến nay, nhân dân toàn xã đã đóng góp kinh phí khoảng 160,5 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao (chiếm gần 46% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn).
Dẫn chúng tôi đi thăm quan khuôn viên nhà văn hóa thôn mới khánh thành, đi vào hoạt động với diện tích sử dụng trên 240 m2, ông Lê Mạnh Hà, Trưởng thôn Lỗ Hà (xã Chuyên Ngoại) không giấu được niềm tự hào khi nói về sự chung sức, đồng lòng của người dân Lỗ Hà đang sinh sống tại địa phương và trên khắp mọi miền Tổ quốc khi biết nhà văn hóa thôn được xây dựng đã đồng lòng ủng hộ kinh phí, vật chất. Được biết, nhà văn hóa thôn Lỗ Hà được xây dựng mới với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài kinh phí đóng góp theo nhân khẩu, thôn còn nhận được trên 500 triệu đồng tiền ủng hộ từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp. Một số hộ gia đình trong thôn cũng tự nguyện đóng góp thêm, hộ thì 5 triệu, hộ thì 10 triệu, có hộ ủng hộ 30 triệu đồng.
“Từ thực tế chương trình xây dựng NTM tại địa phương cho thấy, không có việc gì là khó nếu biết khơi dậy và phát huy sức dân, biết huy động các nguồn lực để tạo sức mạnh tổng hợp. Chỉ cách đây 2 năm thôi, tưởng chừng đích đến NTM nâng cao còn xa nhưng nhờ huy động tốt nguồn nội, ngoại lực trong xây dựng các công trình, thôn Lỗ Hà đã hoàn thành vượt so với yêu cầu đối với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao”, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các miền quê ngày càng được đầu tư mở rộng, phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đi lại, hội họp, vui chơi, giải trí của nhân dân. Với nguồn kinh phí huy động được, trong 9 tháng năm 2023, các xã đã triển khai sửa chữa, nâng cấp, làm mới trên 70 km đường giao thông nông thôn, 48 phòng học các cấp, 4 trụ sở UBND xã, 7 nhà văn hóa và sân thể thao xã, 35 nhà văn hóa thôn. Đồng thời, tiến hành lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời, mạng wifi miễn phí tại các điểm sinh hoạt công cộng. Đến nay, 100% số xã đã đạt chuẩn các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025. Đối chiếu với Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao, hiện đã có 66/83 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông; 70/83 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai; 83/83 xã đạt tiêu chí điện; 83/83 xã đạt tiêu chí giáo dục; 72/83 xã đạt tiêu chí văn hóa; 82/83 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông…
Như vậy, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, trong tiến trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, các địa phương trong tỉnh đã phát huy tốt các nguồn lực để xây dựng hạ tầng nông thôn. Bằng nhiều cách làm hay, các thôn, xóm, khu dân cư đã kêu gọi được sự chung tay ủng hộ của các doanh nghiệp, con em xa quê, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động cùng tham gia xây dựng các công trình, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Nguyễn Oanh