Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn

Những năm trở lại đây, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, thanh niên khởi nghiệp phần lớn gặp trở ngại khi bắt tay vào thực hiện các mô hình như: Hạn chế về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm sản xuất, loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm; thiếu vốn và khó khăn tiếp cận vốn.

Toàn tỉnh hiện có 249 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 32 hợp tác xã thanh niên, 17 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, 2 tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế. Theo chia sẻ của Phó Bí thư Tỉnh đoàn Vũ Trần Tùng Anh, hiện tại, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hầu hết đều gặp vướng mắc, khó khăn về vốn. Mặc dù có nhiều nguồn hỗ trợ cho thanh niên như nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm nhưng hạn mức giải ngân còn rất ít, thanh niên muốn khởi nghiệp khó tiếp cận. Do vậy, thanh niên khởi nghiệp thường vay mượn tiền của gia đình, bạn bè để thực hiện các dự án kinh doanh của mình và rủi ro của việc bỏ dự án do thiếu vốn là rất cao. 

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn
Mô hình trồng hoa của đoàn viên Khổng Quang Toản, xã Vũ Bản (Bình Lục) cho giá trị hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Quang Huy

Việc đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp đã có nhưng còn rời rạc và chưa đáp ứng được nhu cầu. Các chương trình đào tạo ngắn hạn đã được triển khai nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức độ tập huấn, cung cấp những kiến thức cơ bản trong khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp, chưa có những khóa đào tạo bài bản chuyên sâu, đặc biệt là đào tạo kỹ năng khởi nghiệp.

Với mục tiêu kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; hỗ trợ về vốn vay cho thanh niên để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng, củng cố tổ chức đoàn, hội tại các địa phương, Tỉnh đoàn đã ban hành Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2021-2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập và duy trì Văn phòng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo môi trường, không gian cho thanh niên trao đổi ý tưởng; hỗ trợ, tư vấn hoàn thiện các ý tưởng và đề án kinh doanh; kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng. Đến nay đã tư vấn, hỗ trợ hơn 2.000 lượt thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Tăng cường vận động thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là các tổ hợp tác, hợp tác xã của thanh niên. Phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai các dự án vay vốn giải quyết việc làm cho thanh niên. 

Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh đoàn hỗ trợ 8 dự án với tổng số tiền 795 triệu đồng, phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh kêu gọi vốn cho 6 dự án với số vốn đầu tư 6,8 tỷ đồng. Như vậy, tính trong 3 năm 2019-2021, Tỉnh đoàn đã phối hợp Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh hỗ trợ 13 dự án khởi nghiệp của thanh niên với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng thông qua Ngày hội đầu tư và khởi nghiệp cho thanh niên được tổ chức vào tháng 12 hằng năm. Thêm vào đó, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ 139 mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/mô hình. Duy trì 215 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng số dư nợ đạt 358,529 tỷ đồng, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vay vốn phát triển kinh tế. Tỉnh đoàn tham mưu với tỉnh bố trí nguồn ngân sách 10 tỷ đồng ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay đối với các đối tượng do tổ chức đoàn thanh niên giới thiệu và hiện đã cấp được 5 tỷ đồng.

Bên cạnh hỗ trợ về vốn, các cấp bộ đoàn quan tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, hỗ trợ 3 dự án đạt chuẩn OCOP; 3 dự án được giải thưởng Lương Định Của, 2 dự án lọt vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn”; giới thiệu quảng bá 18 sản phẩm trên không gian mạng Metaverse, hỗ trợ 1 gian hàng trên sàn thương mại điện tử techfest 247.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Vũ Trần Tùng Anh khẳng định: Trong vấn đề khởi nghiệp của ĐVTN, ý tưởng đóng vai trò quan trọng nhất, sau đó mới là nguồn vốn đầu tư. Bởi ý tưởng khởi nghiệp phải có tính khả thi thì mới có thể nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, sự hỗ trợ vốn của Tỉnh đoàn qua các kênh. Phải thừa nhận rằng hiện nay, năng lực khởi nghiệp của thanh niên chưa cao, đặc biệt trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều thanh niên không thể thuyết trình mạch lạc dự án kinh doanh của mình. Họ vẫn còn quá đề cao ý tưởng mà chưa hiểu về việc phát triển một mô hình kinh doanh hiệu quả dẫn đến thiếu tính khả thi. Trong Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2021-2025, Tỉnh đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025, cấp tỉnh hỗ trợ ít nhất 30 dự án khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên; mỗi huyện, thị, thành đoàn hỗ trợ ít nhất 5 dự án khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên.

Đề án thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp theo từng nhóm đối tượng gồm sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; thanh niên nông thôn; doanh nhân trẻ, thanh niên đô thị, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh trong độ tuổi thanh niên mới đăng ký kinh doanh. Đối với nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Đề án xác định xây dựng Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh theo 2 phương thức: nguồn ngân sách của tỉnh về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và nguồn xã hội hóa; đồng thời vận động kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư hỗ trợ trực tiếp vào quỹ và kết nối, liên thông với các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hiện có của các doanh nghiệp... Phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp như: “Quỹ đầu tư mạo hiểm”, “Quỹ đầu tư thiên thần” để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và xây dựng các doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, Tỉnh đoàn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu các chính sách hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; kết nối giữa thanh niên có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp với doanh nghiệp, doanh nhân và cơ quan quản lý nhà nước. Hằng năm chủ trì, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp và các hoạt động liên quan trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp gửi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho vay vốn. 

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy