Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này đã và đang phát huy hiệu quả vai trò “vốn mồi”, tạo sức bật cho công nghiệp nông thôn phát triển.
Thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2020-2025, từ năm 2020 đến nay, Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid -19 và chịu tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế toàn cầu như ngành dệt may; da giày; sản xuất, chế biến gỗ; sản xuất, chế biến nông sản...
Cụ thể, giai đoạn 2021-2022, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại triển khai thực hiện 21 đề án khuyến công để hỗ trợ cho 38 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 9,4 tỷ đồng. Năm 2023, Sở Công thương trình Bộ Công thương phê duyệt 3 đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 17 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Các đề án được triển khai trong năm 2023 chủ yếu tập trung vào hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất hàng dệt may, cơ khí, chế biến thực phẩm; hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Cũng trong năm 2023, Sở Công thương phê duyệt 8 đề án khuyến công địa phương để hỗ trợ cho 8 cơ sở sản xuất với kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng. Các đề án này hướng tới hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP như sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa; gốm sứ, phở khô, cá sông trong ao, dệt lụa, chè sen…
Đặc biệt, đối với việc triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2022-2024”, trong năm 2022, Sở Công thương đã hỗ trợ 11 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dựng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất hàng dệt may và 1 cơ sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Từ nay đến hết năm 2023, sở dự kiến tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư mua máy móc, thiết bị công nghệ cho 7 cơ sở sản xuất hàng dệt may; đồng thời tư vấn, hỗ trợ 2 cơ sở dệt may nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Các nội dung khuyến công ngày càng được triển khai đa dạng, hiệu quả. Quy mô, chất lượng các đề án được nâng cao và có tác động rõ nét đến sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy hiệu quả từ việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất (giúp tăng năng suất từ 30-40% so với trước), sau khi triển khai đề án, nhiều cơ sở đã chủ động đầu tư thêm máy móc để mở rộng quy mô hoạt động. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Từ hiệu quả đạt được của các đề án, công tác khuyến công ngày càng có sức lan tỏa. Số cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia tăng qua các năm.
Là đơn vị được hỗ trợ kinh phí để đầu tư mua lò hơi và máy cán sấy lụa, vải từ nguồn vốn khuyến công địa phương, cơ sở sản xuất lụa Hải Huyền silk, thôn Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên) đã nhanh chóng nhận thấy năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ lò hơi mới trong sản xuất, cơ sở đã tiết kiệm được 40% chi phí điện năng so với trước đây. Từ đó, giúp hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Sản lượng hàng bán ra của cơ sở theo đó cũng ngày một tăng lên.
Ông Nguyễn Thanh Hải, chủ cơ sở sản xuất lụa Hải Huyền silk cho biết: Máy cán sấy lụa, vải được sản xuất với công nghệ tiên tiến hàng đầu Việt Nam, không chỉ dễ vận hành, giúp tiết kiệm điện năng mà còn làm tăng tính thẩm mỹ cho tấm vải. Ngoài ra, hệ thống van tự động, điện tự động của lò hơi công nghệ mới cũng giúp hạn chế khói bụi ra môi trường. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ việc ứng dụng các thiết bị này vào sản xuất, một số cơ sở sản xuất lụa trong làng nghề cũng đang có định hướng đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong thời gian tới, Hải Huyền silk cũng sẽ mua thêm một lò hơi công nghệ mới cùng máy cán sấy vải để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Cũng như cơ sở sản xuất lụa Hải Huyền silk, khi được tiếp cận chính sách khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn đều mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, từng bước giảm bớt các công đoạn sản xuất theo phương pháp thủ công. Điều này cho thấy, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã thực sự phát huy vai trò là “vốn mồi”, kích thích cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đào tạo lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các khóa học đào tạo khởi sự doanh nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và chuyển giao công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; quan tâm hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp nông thôn đan xen trong khu dân cư hoặc cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp. Đặc biệt, chú trọng gắn hoạt động khuyến công với việc hỗ trợ xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh…
Nguyễn Oanh