Đột phá trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Kể từ khi hình thành khu công nghiệp (KCN) đầu tiên vào năm 2003 là KCN Đồng Văn I (Duy Tiên), đến nay tỉnh Hà Nam đã có 8 KCN đi vào hoạt động, thu hút trên 500 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 86.000 lao động.

Chặng đường 20 năm hình thành, phát triển cho thấy, các KCN của tỉnh ngày càng được mở rộng, tăng sức hút đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN đạt tốc độ tăng trưởng nhanh qua các năm, góp phần tô điểm thêm những gam màu sinh động trên bức tranh tươi sáng về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngay từ khi tái lập tỉnh, Hà Nam đã xác định rõ, phát triển công nghiệp và các KCN là hướng đi chính để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện thực hóa chủ trương này, năm 2003, tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập KCN đầu tiên, đó là KCN Đồng Văn I với quy mô 138 ha. Những năm qua, trên cơ sở các nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý  các KCN tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; tích cực giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại các KCN của tỉnh thông qua việc kết nối, hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam. Nhờ đó, bức tranh các KCN của tỉnh ngày càng được tô điểm thêm những mảng màu và nét vẽ tươi sáng. Số lượng KCN, số dự án đầu tư, quy mô đầu tư, đóng góp ngân sách nhà nước tăng lên nhanh chóng qua các năm.

Điều này được thể hiện một cách rõ nét khi nhìn lại thời điểm trước khi Hà Nam hình thành các KCN. Khi ấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, dệt may, chế biến nông sản và sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm trên 30% vào năm 2002. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đã chiếm trên 67% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đột phá trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý.

Từ một tỉnh nông nghiệp, chưa có KCN, chưa có đầu tư nước ngoài, lao động nông thôn chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, giờ đây, Hà Nam đã có 8 KCN đi vào hoạt động. Trong đó, nhiều KCN gần như đã được lấp đầy như: Đồng Văn I, Đồng Văn II, Châu Sơn, Hòa Mạc… Về cơ bản, các KCN đã đi vào hoạt động đều được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong KCN đều tăng trưởng nhanh, bình quân đạt trên 20%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN đạt tốc độ tăng trưởng khá, hiện chiếm khoảng 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Cùng với đó, giá trị xuất khẩu tăng liên tục với tốc độ tăng trên 20%/năm và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đi vào hoạt động tại KCN Đồng Văn II (Duy Tiên) với khoảng 30 công nhân lao động (năm 2009) ban đầu, đến nay, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam đã thu hút trên 8.000 lao động làm việc. Từ thị trường tiêu thụ ban đầu là Nhật Bản, hiện nay, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… Ngoài nhà máy sản xuất tại KCN Đồng Văn II, Sumi Việt Nam còn đang hoàn thiện hạ tầng nhà máy mới tại KCN Thanh Liêm. Dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023, bước đầu tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Điều này là một minh chứng cho thấy, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, Sumi Việt Nam đã có sự trưởng thành, phát triển mạnh mẽ sau khi vào đầu tư tại Hà Nam.

Ông Hiroshi Kuroda, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam cho biết: So với những năm đầu hoạt động tại KCN Đồng Văn II, Sumi Việt Nam hiện nay đã phát triển trên mọi phương diện, từ mở rộng quy mô nhà máy, đổi mới máy móc, công nghệ, cho đến gia tăng sản lượng, con người. Chúng tôi rất phấn khởi khi trong quá trình đầu tư tại tỉnh Hà Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh, nhất là trong việc giới thiệu, tuyển dụng lao động; không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, Sumi Việt Nam hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ này để đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động khi nhà máy tại KCN Thanh Liêm đi vào hoạt động.

Cũng như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, cùng với sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, các doanh nghiệp trong KCN đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, lực lượng lao động và ngày càng có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, điển hình như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina, Công ty TNHH Dream Plastic, Công ty TNHH Number One Hà Nam… Năm 2022, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp cho ngân sách nhà nước 5.600 tỷ đồng (tăng 4.580 tỷ đồng so với năm 2014).

Nhìn lại quá trình phát triển của các KCN, ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Các KCN trong tỉnh được xây dựng theo định hướng phát triển bền vững, thu hút những dự án công nghệ cao, không tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. So với những năm mới hình thành KCN thì hiện nay,  ngành nghề trong các KCN đã đa dạng hơn rất nhiều. Không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong những năm qua, các KCN của tỉnh đã có bước đột phá khi thu hút được nhiều dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, có thương hiệu nổi tiếng thế giới đã lựa chọn đầu tư tại tỉnh, mở ra cơ hội để kinh tế công nghiệp “cất cánh” và không ngừng phát triển.

Có thể khẳng định, các KCN của tỉnh có được thành quả “nhảy vọt” như hôm nay là do trong gần 20 năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Nam đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Môi trường đầu tư gồm cả về  cơ cấu chính sách và hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN đều được đầu tư đồng bộ. Tỉnh cũng chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ như tài chính - ngân hàng, viễn thông, logistics... để phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh Hà Nam triển khai hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác với đại sứ quán các nước, các bộ, ngành, tổ chức các sự kiện ngoại giao, các hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế. Sự phát triển của các KCN đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần tô điểm thêm những gam màu sinh động trên bức tranh tươi sáng về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy