Đồng bộ các giải pháp tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Được đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh với hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào, những năm qua, Hà Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Nhiều năm liền, Hà Nam luôn nằm trong top 10 - 15 tỉnh thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt nhất cả nước. Năm 2023, được xác định là năm nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Hà Nam. Vì vậy, để tiếp tục duy trì mục tiêu ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế; đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, đâu là những“ nút thắt” và giải pháp nào để tháo gỡ?  Đó chính là nội dung trao đổi của đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam với phóng viên Hà Nam điện tử.

PV: Năm 2022, toàn tỉnh thu hút 62 dự án (bằng 126,5% so với năm 2021), trong đó có 17 dự án FDI và 45 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 175 triệu USD và 19.990,7 tỷ đồng. Hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó lớn nhất là Hàn Quốc, kế đến là Nhật Bản...Lũy kế đến 18/9/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.142 dự án đầu tư còn hiệu lực (tăng 3,35% so cùng kỳ)...Kết quả đó, đã khẳng định hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư của Hà Nam thực hiện trong thời gian qua, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Đúng vậy! Trong bối cảnh và xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới, cũng như tại Việt Nam; đặc biệt, là những biến động lớn từ những tác động bên ngoài như tình hình chính trị thế giới, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã tạo nên làn sóng dịch chuyển, phân bổ lại dòng vốn đầu tư của các nền kinh tế, đối tác lớn trên thế giới. Trong xu thế đó, các nước ASEAN, trong đó, có Việt Nam là những điểm đến tiềm năng. Đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen, từ quan điểm mục tiêu, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, Hà Nam xác định quan điểm, mục tiêu; đồng thời xây dựng, hoạch định các chính sách phù hợp và đề ra các giải pháp để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đột phá trong thu hút đầu tư.

Tỉnh thực hiện chủ trương khuyến khích, thu hút và thúc đẩy đầu tư nhưng không phải bằng mọi giá mà có chọn lọc theo định hướng phát triển chung của tỉnh. Trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; kết hợp hài hòa phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu; chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng phát triển công nghiệp xanh và bền vững. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước có tính chất dẫn dắt, kết nối doanh nghiệp khác để tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp” gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước, trong khu vực và thế giới.

Đồng bộ các giải pháp  tạo “ đột phá” trong thu hút đầu tư
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam trả lời phỏng vấn Báo Hà Nam

Trên cơ sở quan điểm và mục tiêu đã đề ra, Hà Nam đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch và triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp từ quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp; đồng thời rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, các cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư, tích cực tháo gỡ các khó khăn, các vướng mắc cho doanh nghiệp..., nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chung của tỉnh theo các tiêu chí cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm thu hút các dự án lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, các dự án đầu tư gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

Năm 2022, toàn tỉnh thu hút 62 dự án (bằng 126,5% so với năm 2021), trong đó có 17 dự án FDI và 45 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 175 triệu USD và 19.990,7 tỷ đồng. Hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó lớn nhất là Hàn Quốc, kế đến là Nhật Bản...Lũy kế đến 18/9/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.142 dự án đầu tư còn hiệu lực (tăng 3,35% so cùng kỳ)...Kết quả đó, một lần nữa khẳng định sự đúng đắn về quan điểm chỉ đạo, định hướng cũng như giải pháp thu hút đầu tư của Hà Nam đã thực hiện trong thời gian qua.

PV: Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, thu hút đầu tư của tỉnh 9 tháng năm 2023 giảm, vậy đâu là “nút thắt”?   

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thu hút 40 dự án (bằng 93% so với cùng kỳ 2022). Mức sụt giảm này có nguyên nhân từ bên ngoài và cả nội tại bên trong. Trước hết là việc khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm 2023. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại do những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới; xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới ngày càng gay gắt, đặc biệt là xung đột kéo dài, khó lường tại Ukraina; nhu cầu tiêu dùng giảm; điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt ảnh hưởng mạnh hơn đến doanh nghiệp, thương mại và đầu tư quốc tế; rủi ro của hệ thống ngân hàng; đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn. Những yếu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng.

Kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới; lạm phát mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm, mặt bằng lãi suất còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn thấp; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng bộc lộ hạn chế; hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.

Bên cạnh những nguyên nhân do khó khăn và sự sụt giảm chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, còn có những “nút thắt” trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở một số sở, ngành, địa phương hiệu quả chưa cao. Do vậy, một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư chậm được giải quyết. Cùng với đó, một số văn bản cụ thể hóa theo quy định của pháp luật chưa đồng bộ, hiệu quả thực hiện còn hạn chế; Việc xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng kịp với thực tiễn phát triển và yêu cầu của doanh nghiệp; một số cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư được ban hành nhưng việc triển khai còn chậm, hiểu quả chưa cao. Tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, ngại xử lý các vấn đề khó, phức tạp vẫn còn xảy ra ở một số sở, ngành, địa phương. Tiến độ giải phóng mặt bằng; việc đầu tư xây dựng hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh. Công tác đào tạo nghề, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, nhất là lao động chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

PV: Để tháo ngỡ những” nút thắt” trên, theo đồng chí, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm sẽ là gì?

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Để tháo gỡ những nút thắt nêu trên và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất: Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan,…

Thứ 2: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.

Thứ 3: Kịp thời cập nhật, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Đảng và nhà nước để áp dụng đồng bộ , hiệu quả, phù hợp với thực tế tại tỉnh; rà soát, ban hành và triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư.

Thứ 4: Quán triệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp.

Thứ 5: Đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.

Thứ 6: Thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch... nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh.

PV: Theo Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 16/TTg-CN ngày 03/02/2023, Hà Nam có thêm 4 KCN mới, với tổng diện tích 940ha. Đó  là điều kiện thuận lợi, là cơ hội, song cũng là thách thức lớn đối với Hà Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Xin đồng chí cho biết, quan điểm chỉ đạo cũng như những giải pháp tiếp theo của tỉnh sẽ là gì?

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Việc phát triển các khu công nghiệp cần gắn với sắp xếp, phân bổ không gian phát triển của tỉnh Hà Nam một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực cho phát triển bền vững về kinh tế-xã hội-môi trường, đảm bảo các điều kiện để triển khai các khu công nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới và sáng tạo, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và tài nguyên (đất đai, nước, năng lượng), có sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam và tỉnh Hà Nam trong từng thời kỳ.

Bảo đảm việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa và các loại đất nông nghiệp khác nằm trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp còn lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho tỉnh Hà Nam, thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Thu thực hiện

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy