kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
"Số hoá" ở làng - Kỳ 2: Khai thác tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số

"Số hoá" ở làng - Kỳ 2: Khai thác tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số

Không chỉ tích cực ứng dụng công nghệ số vào đời sống, các hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ở nông thôn đã chủ động CĐS áp dụng vào sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng đó tận dụng tốt các nền tảng số để giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp.Một số HTX nông nghiệp đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa nhanh vừa bảo vệ sức khỏe người nông dân. Nhờ đó nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề của Hà Nam từ lũy tre làng “trình làng” với người dân trong nước và thế giới, mang lại hiệu quả to lớn, hình thành ngày càng rõ nét nền “kinh tế số” khu vực nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tin liên quan
“Số hóa” ở làng - Kỳ 1 Những “nông dân số” và chính quyền online

“Số hóa” ở làng - Kỳ 1 Những “nông dân số” và chính quyền online

Trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực nông thôn với đặc điểm xa trung tâm, điều kiện kinh tế cũng như trình độ nhận thức của người dân hạn chế hơn là thách thức không nhỏ. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện, vận động người dân thực hiện, công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực nông thôn nói riêng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên những thay đổi đáng kể trong xây dựng những “nông dân số”, “xã hội số” và “kinh tế số”.

Số hoá ở làng  Kỳ 2 Khai thác tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa ở HTXDVNN Thi Sơn Kim Bảng.

Khi “số hóa” là yếu tố sống còn trong phát triển

Sau 5 năm phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao”, đến nay Hợp tác xã (HTX) sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đã xây dựng được chuỗi liên kết ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao.

HTX có tổng diện tích 10ha, 8 bể nuôi, tổng kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng. Mỗi bể nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy… Các máy liên tục hoạt động 24/24 giờ tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước. Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luôn lưu chuyển khắp ao bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Những chiếc máy bơm tạo dòng chảy tuần hoàn giúp cá trong bể hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục.

Số hoá ở làng
HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng lắp đặt hệ thống máy ở bể nuôi cá trong mô hình mới.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: Việc tạo dòng chảy với thói quen của cá là thích vận động bơi ngược dòng nước nên thịt cá thơm ngon, săn chắc hơn nhiều so với nuôi tự nhiên. Thêm nữa, với công nghệ “sông trong ao”, việc quản lý thức ăn, nguồn con giống, theo dõi sự phát triển của cá và phát hiện sớm dịch bệnh cũng được kiểm soát dễ dàng giúp ngăn ngừa rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Cho đến nay, sau 5 năm, HTX sông trong ao Hải Đăng đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện, trung bình mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường hơn 100 tấn thủy sản các loại.

Để nâng cao giá trị thuỷ sản, HTX sông trong ao Hải Đăng đã đầu tư các tủ hấp, bảo quản, hệ thống đóng gói sản phẩm, có thể sản xuất hơn 1 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Sản phẩm của HTX đã có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, việc tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều. Hiện có khoảng 70-80% lượng cá thu hoạch được HTX đưa vào chế biến các sản phẩm cá kho, chả cá rô phi và ruốc cá trắm. Đây là các sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 4 sao, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap và được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thời gian qua HTX đã mạnh dạn nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với việc nỗ lực xây dựng uy tín về chất lượng, HTX cũng chú trọng cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh cũng như gia tăng giá trị sản phẩm. Với uy tín, chất lượng, sản phẩm của HTX đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.

Đánh giá về việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, anh Hiếu khẳng định đây được xem là yếu tố sống còn đối với mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Cơ sở nào tranh thủ ứng dụng được trước sẽ vượt lên trước và nắm bắt được các cơ hội để phát triển, nếu không sẽ tụt lại và tự triệt tiêu.

Nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương hiện nay. Nhiều mô hình khác trong sản xuất nông nghiệp cũng đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo,…

Tại Công ty dược thảo Minh Đức, xã Công Lý (Lý Nhân) nấm đông trùng hạ thảo được trồng trong nhà có trang bị hệ thống điều hòa. Công nghệ số được ứng dụng để quản lý tự động quá trình sinh trưởng của nấm, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Nấm đông trùng hạ thảo của công ty đã được chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và xếp hạng 3 sao. Hoặc như ở Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, xã Mộc Bắc (Duy Tiên), đã và đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào phần lớn các khâu sản xuất, quản lý, tiêu thụ, qua đó tiết kiệm được nhân lực, chi phí, đẩy mạnh sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm sữa. Công ty được cấp chứng chỉ châu Âu về chăn nuôi bò sữa. Một số HTX nông nghiệp đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa nhanh vừa bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Từ lũy tre làng ra thế giới nhờ công nghệ số

Số hoá ở làng
Với giao diện bắt mắt, với đầy đủ các thông tin về nhà sản xuất, địa chỉ, danh mục sản phẩm, cách thức mua hàng, trang web của Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi tạo thuận lợi cho người tiêu dùng đặt hàng.

Trong thời đại công nghệ số, nhất là khi thương mại điện tử ngày càng bùng nổ, trở thành một trong những xu hướng mua sắm quen thuộc, CĐS trở thành bước ngoặt thiết yếu của doanh nghiệp bán lẻ. Đặc biệt sau tác động của đại dịch Covid-19, thương mại điện tử và các kênh bán online khác càng chứng minh vị thế quan trọng, góp phần đưa doanh nghiệp vượt sóng, duy trì vận hành, đảm bảo doanh thu. Với những làng nghề truyền thống, việc CĐS hiện nay xem như bước chuyển mình giúp nắm bắt thời cuộc.

Có khoảng 112 triệu kết quả hiện ra trong 0,23 giây khi gõ “cá kho Hòa Hậu” trên google cho thấy độ “phủ sóng” rộng lớn trên môi trường mạng của món ăn đặc sản tại Hà Nam. Với sự linh hoạt, nhạy bén trong nắm bắt thị trường, anh Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đặc Sản Việt Nam – Dasavina đã thành công trong việc quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cá kho truyền thống xã Hòa Hậu (Lý Nhân) thông qua nền tảng số. Trong đó, tận dụng tối đa tiện ích của mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Thiết kế website doanh nghiệp với hình thức bắt mắt, nội dung thông tin đa dạng, cách thức mua hàng và thanh toán dễ dàng. Cùng đó, xây dựng đội ngũ nhân viên tư vấn, bán hàng chuyên nghiệp, trách nhiệm, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Khâu giao hàng, đóng gói và bảo quản sản phẩm cũng được chú trọng, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi tới tay khách hàng. Việc bán hàng online có nhiều đóng góp vào doanh thu của đơn vị.

Ông Trần Xuân Thực, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cá kho Nhân Hậu, xã Hòa Hậu cho biết: Hiệp hội hiện có 20 thành viên. Sự khẳng định về chất lượng, uy tín của sản phẩm là yếu tố quan trọng để các hộ sản xuất giữ được khách hàng ổn định cũng như nâng tầm thương hiệu tập thể “cá kho Nhân Hậu” cũng như thương hiệu riêng của mỗi người. Theo tính toán, có khoảng 30.000 niêu cá kho được bán ra mỗi năm. Cá kho Hòa Hậu không chỉ phổ biến ở thị trường trong nước mà còn được người Việt ở nước ngoài đặt mua, tất cả là nhờ sự quảng bá trên các nền tảng số.

Nói về việc ứng dụng công nghệ trong bán hàng, ông Thực cho biết đó là hướng đi tất yếu. Các hộ làm nghề trên địa bàn cũng rất nhanh nhạy trong việc đăng ký thương hiệu và biết nắm bắt, tận dụng ưu thế vượt trội của công nghệ thông tin trong việc quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tuyến trên mạng thông qua các trang web, facebook, zalo. Nhờ đó mà lượng khách hàng biết đến món cá kho nơi đây ngày một nhiều hơn.

“Đơn cử như cơ sở Trần Xuân Thực nhà tôi đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR gắn trên mỗi hộp; đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP và đăng ký logo thương hiệu, giúp việc quảng bá sản phẩm, cơ sở sản xuất hiệu quả hơn” – ông Thực chia sẻ.

Để nâng tầm thương hiệu cá kho Nhân Hậu, thời gian tới, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cá kho Nhân Hậu sẽ làm thủ tục gia hạn đăng ký thương hiệu tập thể. Khuyến khích các hộ sản xuất đẩy mạnh phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua các sự kiện hội chợ, tuần hàng; giới thiệu trực tuyến trên các trang mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử… để sản phẩm gần hơn với khách hàng.

HTX sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng, website hieuca.com.vn và zalo cá nhân, đồng thời bán hàng trên nền tảng online của Công ty bưu chính viễn thông và kênh bán hàng online của Viettel. Việc bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 đã giúp HTX tiêu thụ được hơn 40% sản phẩm làm ra.

Khá nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề của Hà Nam như Lụa Nha Xá, bánh đa nem làng Chều,…nhờ tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá mà không chỉ phục vụ tiêu dùng thị trường nội địa mà còn được nhiều người ở nước ngoài biết đến.

Xác định rõ vai trò của CĐS trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động này với mục tiêu đổi mới, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương. Trong đó, xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm trong tỉnh tới người tiêu dùng ở khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới. Khi truy cập vào sàn thương mại điện tử Hà Nam, các thông tin về địa chỉ, số điện thoại người sản xuất/kinh doanh, về sản phẩm được đăng tải chi tiết, cụ thể.

Số hoá ở làng  Kỳ 2 Khai thác tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số
Kiểm tra bò sữa qua hệ thống camera giám sát tại Công ty CP Sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (Duy Tiên).

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, Hà Nam hiện đã triển khai 3 sàn thương mại điện tử, được trên 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia với 250 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn trong đó có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc Vũ Bản, bánh đa Kiện Khê, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu… Tỉnh cũng tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, phát triển kênh phân phối trên sàn thương mại điện tử để các chủ thể tiêu thụ sản phẩm.

Với sự chủ động từ người dân, các HTX, doanh nghiệp ở nông thôn cùng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự tích cực của ngành chức năng, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề khu vực nông thôn ngày càng mạnh mẽ. Qua đó khai thác tối đa tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số, dịch chuyển kinh tế nông thôn phát triển theo hướng “kinh tế số”, giảm sức lao động chân tay, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

https://baohanam-fileserver.nvcms.net/IMAGES/2023/10/30/20231030144829-97hosothamdugiaiblv2023.pdf

Kỳ 3:  Vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh

Hải Yến - Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy