Hà Nam đang nỗ lực chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực. Quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền số từ nền tảng chính quyền điện tử, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tập trung phát triển chính quyền số, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nội bộ các cơ quan Nhà nước; phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích số; phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an toàn thông tin… Theo đó, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Phần mềm đã được tích hợp chữ ký số. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thư điện tử của tỉnh bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 95%.
Cùng với đó, hệ thống phòng họp không giấy tờ cũng được triển khai tại trụ sở UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; triển khai hệ thống báo cáo kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình cũng được triển khai: trang bị phòng họp trực tuyến từ UBND tỉnh với UBND cấp huyện; UBND cấp xã với UBND cấp huyện (tổng số 116 điểm cầu), có kết nối với Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã được cập nhật khá đầy đủ thông tin. Cập nhật nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; trả lời kịp thời thắc mắc của người dân và doanh nghiệp; trung bình hằng tháng cập nhật 85 tin, bài. Nhiều chuyên mục trên cổng đã được thiết kế, tạo lập và cập nhật thông tin. Cổng thành phần của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam hiện nay cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tổng số 1.744 bộ thủ tục hành chính. Trong đó: 976 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 693 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác. Tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống: Năm 2022 là 237.313 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,21%; có 159.209 bộ hồ sơ trực tuyến, đạt 67,09%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 32,5%. Năm 2023 (tính đến ngày 27/6/2023), tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống là 90.423 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,7%, trong đó có 79.920 bộ hồ sơ trực tuyến đạt 88,4%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến, đạt 64,07%.
Triển khai phát triển đô thị thông minh, tỉnh đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam, bao gồm: 9 màn hình 46 inch và hệ thống thiết bị điều khiển màn hình; 5 máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu; hệ thống thiết bị mạng và các thiết bị phụ trợ khác. Đồng thời, triển khai thuê phần mềm nền tảng phục vụ hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam. Hiện đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành về Trung tâm điều hành thông minh, các phần mềm ứng dụng tích hợp online, gồm: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam, quản lý văn bản và điều hành, y tế, Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Phủ Lý (đã tích hợp 10 camera). Các chỉ số cơ bản về kinh tế - xã hội được các ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống định kỳ. Cùng với đó, đã xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý để thu thập, phân tích, chuẩn hóa dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng đến các thôn, xóm bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT, sử dụng các dịch vụ số của người dân, doanh nghiệp. Hiện 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được kết nối, liên thông đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Song song với đó, tỉnh luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Tại mỗi sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có 1 cán bộ chuyên trách về CNTT (quản trị mạng), trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Nhân lực quản trị và vận hành hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đều có trình độ đại học trở lên về CNTT, một số cán bộ, công chức, viên chức đã có các chứng chỉ quốc tế CCNA. Hằng năm, các cán bộ chuyên trách CNTT đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin. Toàn tỉnh đã thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn (109 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 555 thành viên, 686 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 3.430 thành viên), hoạt động tích cực ở các địa phương, góp phần nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Với những nỗ lực trong phát triển chính quyền số thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để tiếp tục phát triển chính quyền số, thời gian tới, tỉnh tập trung duy trì hoạt động hiệu quả của các hệ thống thông tin. Đồng thời, tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; bảo đảm cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến. Số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Kế hoạch số 346/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; triển khai cấp chứng thư số cá nhân và cơ quan, tổ chức cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. Triển khai xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số; tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hoá lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp.
Đức Anh