Sáng 7/8, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số tại Thừa Thiên Huế. Tham dự đoàn có đại diện một số sở, ngành, địa phương; đại diện Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Chi nhánh Hà Nam. Tiếp, làm việc với đoàn công tác có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành hai tỉnh đã trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, tìm hiểu các thành phần cơ bản của hệ sinh thái chuyển đổi số Huế; kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số một cách đồng bộ, xuyên suốt; hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; giải pháp kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; việc xây dựng chiến lược dữ liệu, tích hợp dữ liệu, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành, giải pháp xử lý dữ liệu…
Theo đó, thời gian qua, để thúc đẩy phát triển chính quyền số, Thừa Thiên Huế đã xây dựng hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn; triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ đô thị thông minh. Các hệ thống thông tin chính quyền điện tử được quy hoạch, tích hợp thành một nền tảng chính quyền số, từ đó tạo ra một phương thức vận hành chính quyền khoa học, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian xử lý công việc. Kết quả: về lĩnh vực kinh tế số, Thừa Thiên Huế đạt 4/6 tiêu chí theo bộ tiêu chí chuyển đổi số (DTI). Tính đến hết năm 2023, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số đạt 10,6% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh.
Tỷ lệ người dân đủ điều kiện được cấp tài khoản định danh điện tử đạt trên 90%; số lượng người dân có tài khoản thanh toán số đạt trên 95%; số lượng người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số đạt 0.73%; số lượng người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông đạt trên 80%. Đặc biệt, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh - IOC (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) đã có nhiều ứng dụng thông minh và hoạt động hiệu quả. 100% dịch vụ đô thị thông minh được tích hợp lên Hue-S đi vào cuộc sống, được người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng…
Đối với tỉnh Hà Nam, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ bản đầy đủ các chính sách, quy định cho chuyển đổi số. Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được phát triển đồng bộ. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G; Viettel Hà Nam đang triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân. Công tác đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số được quan tâm… Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC) đang kết nối trực tuyến với 10 hệ thống của tỉnh; đã kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hà Nam là 1 trong 9 tỉnh hoàn thành kết nối, đang triển khai kiểm thử cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID)…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đánh giá cao những kết quả đạt được trong chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh… Đồng chí khẳng định những cách làm hay, sáng tạo, đột phá trong công tác triển khai chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Hà Nam học hỏi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam trong thời gian tới.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của UBND tỉnh Hà Nam đã đến thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC) và trao đổi cùng lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh về hoạt động của Trung tâm.
Nguyễn Khánh