Thực hiện lộ trình tắt sóng 2G trước ngày 16/9/2024, các nhà mạng đã và đang tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, hỗ trợ,… để mọi người dân trên địa bàn tỉnh đang sử dụng điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (gọi tắt là điện thoại 2G) biết và chủ động thực hiện chuyển đổi điện thoại 2G sang sử dụng điện thoại 4G, 5G.
Có sự chuẩn bị sớm
Qua tìm hiểu được biết để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, các nhà mạng đều có sự chuẩn bị sớm, triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp. Ông Trần Mạnh Vũ, Phó Giám đốc Viettel Hà Nam cho biết, thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, Viettel Hà Nam đã có sự chuẩn bị từ cách đây mấy năm. Trước hết đầu tư hạ tầng mạng lưới, lắp đặt nhiều vị trí trạm 4G, bảo đảm phủ sóng 4G tới khoảng 98% số hộ dân. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều phủ sóng 4G, từ đó tạo sự yên tâm cho khách hàng khi thực hiện nâng cấp. Viettel Hà Nam hỗ trợ miễn phí bà con chuyển đổi sim 2G, 3G sang sim 4G. Khoảng 97-98% khách hàng đang dùng sim 2G, 3G đã được chuyển đổi sang sim 4G. Hiện chỉ còn khoảng vài trăm khách hàng đang sử dụng sóng 2G vẫn dùng phôi sim cũ.
Chạy nước rút trước thời điểm tắt sóng 2G vào tháng 9/2024 tới đây, Viettel Hà Nam đã huy động 100% nhân sự từ các kênh nội bộ và kênh ngoài (các điểm bán) nhằm hỗ trợ người dân tốt nhất. Viettel cũng cho ra thị trường các dòng máy giá rẻ, tiện sử dụng để bà con lao động bình thường cũng có thể tiếp cận được thiết bị khi chuyển từ điện thoại “cục gạch” sang dùng điện thoại sóng 4G. Thiết bị 4G (Smart phone và Futer phone) số lượng lớn, đa dạng, hỗ trợ về giá, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Đồng thời, tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền cho người dân nắm được thời điểm tắt sóng 2G để chuyển đổi. Ngoài ra sử dụng các kênh truyền thông khác để tuyên truyền như thông qua mạng xã hội, băng rôn, tờ rơi, truyền thông trực tiếp người dân thông qua các đợt hỗ trợ khách hàng.
Bà Kim Thị Châm, Phó Giám đốc VNPT Hà Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nam cũng cho biết, ngay từ năm 2022 VNPT Vinaphone đã chủ động xây dựng kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng công nghệ 2G. Cùng với đó, bổ sung tăng trạm, tăng độ phủ 4G.
Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 300 trạm 4G, gần 400 trạm 3G và tiếp tục có kế hoạch xây dựng tăng thêm số lượng lớn trạm 4G, đồng thời bổ sung triển khai thương mại hóa 5G trong năm 2025. Đơn vị cũng đã có các công cụ để kiểm soát không cho các máy đầu cuối 2G cũ và ngăn các máy 3G trôi nổi đăng nhập mạng. Từ 1/3/2024 VNPT Vinaphone đã dựng hệ thống đáp ứng ngăn chặn các máy 2G only không hợp quy đăng nhập vào mạng.
VNPT Vinaphone đã triển khai đồng bộ công tác truyền thông về lộ trình tắt sóng 2G. Thực hiện nhắn tin SMS Brandname tới 100% người dùng cần chuyển đổi để thông báo lộ trình tắt sóng 2G và mời khách hàng chuyển đổi thiết bị với tần suất 1 lần/tuần. Thực hiện treo băng rôn, standee, poster, tờ rơi tại tất cả các điểm giao dịch và hơn 100 điểm uỷ quyền của Vinaphone Hà Nam trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai gọi điện Outbound thông báo, vận động đến 100% khách hàng cần chuyển đổi và mời khách hàng thực hiện chuyển đổi thiết bị để không bị gián đoạn liên lạc.
Ngoài ra, VNPT Vinaphone cũng đã tăng cường nhân lực tại các địa bàn huyện, thành phố, thị xã thành lập các Tổ lưu động để tư vấn và hỗ trợ người dân khi có yêu cầu chuyển đổi máy 2G lên máy 3, 4, 5G. VNPT VinaPhone Hà Nam còn khoảng gần 6.000 thuê bao 2G, chiếm khoảng 3% tổng người dùng của Vinaphone toàn tỉnh Hà Nam.
Nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng
Những người sử dụng sóng 2G chủ yếu sinh sống ở khu vực xa trung tâm, người già, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động. Việc hỗ trợ những khách hàng này trong quá trình chuyển đổi hết sức quan trọng và có ý nghĩa xã hội.
Đối với Viettel Hà Nam đã và đang tổ chức các đoàn luân phiên đến các thôn xóm gặp gỡ trực tiếp người dân, hướng dẫn, cài đặt, giúp người dân có thể sử dụng thông suốt trên hạ tầng mạng 4G.
Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi tắt sóng 2G, Viettel đã đưa ra hai phương án hỗ trợ khách hàng đang sử dụng máy 2G để tránh bị gián đoạn liên lạc khi chính thức tắt sóng. Phương án 1: Khách hàng được mua điện thoại 4G với giá 0 đồng khi cam kết sử dụng gói cước của Viettel từ 6 tháng trở lên, áp dụng cho các dòng máy Sumo 4G V1, V2, Sumo 4G G1, G2, ZTE Blade A33S, Samsung Galaxy A04e, Samsung Galaxy A05. Tùy vào dòng máy khách hàng lựa chọn, sẽ có gói cước và điều kiện đi kèm tương ứng với giá cước từ 50.000đ/tháng.
Phương án 2: Khách hàng được giảm giá tới 50% khi mua một số dòng máy smartphone 4G do Viettel cung cấp mà không cần cam kết sử dụng gói cước. Theo đó, mức giá giảm nhiều nhất lên tới 1,1 triệu đồng/máy (áp dụng cho dòng điện thoại Samsung Galaxy A04e). Đồng thời khách hàng chuyển đổi lên 4G thành công sẽ được tặng thêm miễn phí 28 GB data 4G tốc độ cao và một năm sử dụng ứng dụng xem truyền hình TV360.
Chương trình chỉ áp dụng đối với khách hàng 2G của Viettel khi mua các dòng máy smartphone 4G nằm trong danh sách ưu đãi. Khách hàng mua Feature Phone 4G sẽ được tặng 5 phút nội mạng trong 7 ngày liên tiếp.
Để khuyến khích khách hàng tại khu vực xa trung tâm, khách hàng là người già, hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội tiếp cận thiết bị 4G, VNPT Vinaphone hiện đang áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách hàng. Thứ nhất, tuỳ vào từng đối tượng khách hàng cụ thể, Vinaphone sẽ có chính sách tặng máy điện thoại 4G hoặc trợ giá một phần giá trị khi đổi máy. Bên cạnh đó Vinaphone đã hợp tác với chuỗi thế giới di động và hệ thống các điểm uỷ quyền của Vinaphone trên địa bàn toàn tỉnh để xây dựng các chính sách ưu đãi khi người dân đến mua máy 4G được giảm giá, hưởng chính sách thu cũ đổi mới hoặc tặng voucher, quà tặng hấp dẫn. Thứ hai, VinaPhone hỗ trợ khách hàng đăng ký các gói cước siêu ưu đãi, cực rẻ và nhiều tiện lợi, các đặc quyền này chỉ dành riêng cho các khách hàng của Vinaphone đổi máy lên thiết bị 4G với mức giá cước vào mạng trọn gói chỉ từ 49.000 đồng/tháng
Bên cạnh chương trình ưu đãi tặng máy/trợ giá mua máy, khách hàng nâng cấp điện thoại 4G còn được tặng 30GB data, tặng gói truyền hình MyTV dùng cho điện thoại di động SmartPhone với 125 kênh truyền hình, miễn phí data khi truy cập và xem ứng dụng MyTV… Để gia tăng trải nghiệm số cho khách hàng, Vinaphone còn tặng thêm dịch vụ Chữ ký số điện tử để sử dụng trong các giao dịch trực tuyến như kê khai giao dịch cá nhân, giao dịch qua mobile banking,…
Đặc biệt, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Vinaphone còn thông qua các thôn, tổ dân phố, phường, xã phối hợp với đoàn thanh niên để triển khai chương trình “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi thiết bị.
Thực hiện lộ trình tắt sóng 2G trước ngày 16/9/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi các đơn vị liên quan, trong đó yêu cầu doanh nghiệp thông tin di động triển khai các hoạt động truyền thông tới khách hàng về kế hoạch dừng công nghệ di động 2G; hỗ trợ khách hàng nâng cấp sim 4G, chuyển đổi điện thoại 2G sang sử dụng điện thoại 4G, 5G của doanh nghiệp (nếu có). Triển khai phát triển trạm BTS phủ sóng thông tin di động 4G, 5G thay thế vùng phủ sóng 2G trước khi dừng hệ thống 2G; bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.
Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam, đến tháng 7/2024 toàn tỉnh còn khoảng 61.000 thuê bao sử dụng sóng 2G, chiếm khoảng 6,5% tổng số thuê bao di động trên địa bàn tỉnh. So với bình quân chung của toàn quốc tỷ lệ này là thấp. Với sự tập trung cao độ của các nhà mạng và sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, người dân sử dụng sóng 2G đang tích cực chuyển đổi để được hưởng nhiều tiện ích từ sóng 4G, 5G, đồng thời bảo đảm lộ trình tắt sóng 2G diễn ra đúng kế hoạch.
Đỗ Hồng