Chiều ngày 20/5, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương.
Các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Báo Hà Nam, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh; chủ tịch các hội; Thường trực các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc...
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 09/6/2014 và gần 3 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người tỉnh Hà Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai các văn bản, kế hoạch thực hiện nghị quyết được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, gắn với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên (CBĐV), công chức, viên chức và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nam đầy đủ, sâu sắc hơn.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được đầu tư và phát triển. Môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các danh hiệu văn hóa ngày càng được chú trọng nâng cao cả về số lượng, chất lượng. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được triển khai rộng khắp, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân tại các khu dân cư.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị.
Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tiếp tục được củng cố, kiện toàn, có bước phát triển. Hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là phục vụ cho công tác phát triển kinh tế du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, biểu diễn, triển lãm, văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo CBĐV, công chức và Nhân dân tham gia. Các hoạt động giao lưu, đối ngoại, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, du lịch với các địa phương trong cả nước và trên thế giới được tăng cường.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương phát biểu tham luận làm rõ kết quả đạt được, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 33 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy quán triệt, triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư (BBT) về “Công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt, triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị (BCT) về “Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”; Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của BBT về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới”.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt, triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của BBT về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản”; Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của BCT về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy quán triệt, triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư về “Công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội, các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người, trọng tâm là Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương; Kết luận số 76 ngày 04/6/2020 của BCT; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 33... nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, TCĐ, các ngành, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Xác định rõ quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Cùng đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về văn hoá. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn. Chú trọng quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet. Đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, có cơ chế khuyến khích văn nghệ sỹ, nghệ nhân phát huy tài năng, tôn vinh, trọng dụng trí thức, văn nghệ sỹ, nghệ nhân để họ tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho tỉnh; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa; khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa.
Tăng cường công tác xã hội hóa, hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sáng tạo các giá trị văn hóa mới; chăm lo, xây dựng con người Hà Nam phát triển toàn diện, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, tôn trọng pháp luật, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc; gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nâng cao thể lực và trí lực cho con người Hà Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng quán triệt một số văn bản của Trung ương tại hội nghị.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Gắn việc thực hiện Nghị quyết 33 với Kết luận số 01 của BCT về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là người đứng đầu. Mặt khác, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hóa, vượt qua khó khăn để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và của mảnh đất, con người Hà Nam.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa… đồng thời quan tâm chăm lo văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; củng cố tổ chức bộ máy ngành văn hóa; chú trọng sơ, tổng kết, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 33, biểu dương, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiêu biểu tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng quán triệt một số văn bản của Trung ương tại hội nghị.
Để việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chỉ thị, kết luận của Trung ương đảm bảo tiến độ, chất lượng, sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, KTGS việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chỉ thị, kết luận của Trung ương và các văn bản cụ thể hóa của tỉnh theo hướng cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp mình, cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch theo từng lĩnh vực, có lộ trình triển khai thực hiện.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án.... cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kết luận của Trung ương. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chỉ thị, kết luận của BCT, BBT; chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức học tập nghiêm túc, phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu gương của CBĐV, nhất là người đứng đầu; cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong các văn bản của Trung ương thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện; kịp thời báo cáo BTV Tỉnh ủy theo quy định. Cùng đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường tuyên truyền, giáo dục; chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung các chỉ thị, kết luận để CBĐV, Nhân dân nắm được quan điểm, chủ trương của Đảng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp trên địa bàn tỉnh...
Nguyễn Hằng