Từ cuối quý III/2024, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) đã bắt đầu duy trì trở lại, do thời điểm cuối năm, các công trình phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh kế, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn đang dư thừa, tồn kho, trong khi đó nhu cầu của thị trường không cao dẫn đến ngành sản xuất VLXD vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhóm ngành VLXD hằng năm đóng góp gần 7% GDP của cả nước. Ngành cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình suy thoái kinh tế, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động mạnh mẽ đến đầu ra của toàn ngành. Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh cho biết, chưa năm nào sản xuất lại gặp khó khăn như thời gian này. Nhiều doanh nghiệp trong 3 quý đầu năm đã phải sản xuất cầm chừng để duy trì việc làm cho người lao động.
Thông thường chu kỳ vào thời điểm cuối năm, những dự án đầu tư công đẩy nhanh tiến độ xây dựng để nghiệm thu, hoàn thiện năm tài khóa và doanh nghiệp bất động sản cũng phải bàn giao sản phẩm cho người dân đón Tết Nguyên đán nên đây là thời điểm thị trường VLXD có mức tiêu thụ mạnh. Song thực tế, ngành công nghiệp VLXD năm nay đang phải đương đầu với những khó khăn, nguồn cung trong nước dư thừa, trong khi nguồn xuất khẩu bị giảm sút do các thị trường truyền thống cũng chịu ảnh hưởng.
Ông Trần Văn Dưỡng, Giám đốc Công ty cổ phần VLXD huyện Lý Nhân cho biết: Sản phẩm gạch nung của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ cho các công trình xây dựng như nhà ở của người dân và một phần công trình sử dụng vốn ngân sách. Nếu so với cùng kỳ những năm trước, trong quý IV năm nay sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, giá cả không tăng, thậm chí có một số loại sản phẩm có phần giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, số lượng hộ xây dựng nhà ở giảm mạnh. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí hoạt động, linh hoạt kế hoạch bán hàng; tăng cường khâu tiếp thị, giảm giá thành sản phẩm để tiêu thụ gạch, hạn chế thấp nhất hàng tồn tại bãi. Bởi nếu sản lượng tồn kho nhiều, khi mùa mưa đến sẽ mọc rêu, rất khó tiêu thụ. Năm 2024, mặc dù sản lượng tiêu thụ đặt ra giảm 2 triệu viên gạch các loại so với năm trước nhưng khả năng thực hiện cũng rất khó khăn.
Ông Trần Khắc Văn, Chủ đại lý Khuyên Văn ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân) chuyên kinh doanh VLXD, thiết bị nhà ở cho hay: Thời điểm này dù đang là mùa xây dựng nhưng các công trình khởi công ít nên các mặt hàng đang tiêu thụ chậm, giảm 10 - 20% so với các năm trước. Khi thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại, đã kéo thị trường VLXD với hàng trăm loại sản phẩm liên quan, từ sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... có mức tiêu thụ giảm mạnh.
Theo một số chủ đại lý kinh doanh VLXD trên địa bàn thành phố Phủ Lý: Thông thường những năm trước, thời điểm từ tháng 8 đến tháng 12, nhu cầu người dân mua gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh tăng cao so với đầu năm, song năm nay trong dịp này thị trường khá trầm lắng và hầu hết các mặt hàng vẫn giữ nguyên giá. Hy vọng thời gian còn lại của năm 2024, thị trường sẽ "ấm dần", sức tiêu thụ tăng, các doanh nghiệp và đại lý cung ứng VLXD sẽ bớt khó.
Đánh giá của các ngành chức năng cho thấy, trong thời gian cuối năm 2024, một số loại VLXD tương đối bình ổn, giá bán tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như thép Hòa Phát tại thị trường miền Bắc, với thép cuộn CB240 tăng 310.000 đồng/tấn, hiện dao động ở mức 13,8 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 410.000 đồng/tấn có giá gần 14 triệu đồng/tấn. Với thép Việt Đức, thép cuộn CB240 ở mức 13,6 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá hơn 14 triệu đồng/tấn. Thương hiệu thép VAS, thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở các mức 13,85 triệu đồng/tấn và 14 triệu đồng/tấn...
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD, ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg. Chỉ thị nêu rõ: Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ VLXD tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành VLXD nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường dự báo diễn biến trong và ngoài nước để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp có các định hướng ổn định sản xuất, kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước...
Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những dự án đầu tư công sẽ được triển khai một cách tích cực, từ đó tác động đến việc phục hồi và tăng trưởng của ngành VLXD.
Hòa Hậu