Giáo dục lịch sử truyền thống là trao truyền, tôn vinh, lan tỏa những giá trị cao đẹp của dân tộc, quê hương. Nhận thức sâu sắc việc giáo dục lịch sử truyền thống cho cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thời gian qua, Thành ủy Phủ Lý và các cấp ủy của thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng công tác giáo dục lịch sử truyền thống, qua đó góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cùng xây dựng ý chí, khát vọng, sự đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ hướng tới mục tiêu xây dựng Phủ Lý văn minh, giàu mạnh.
Để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, Thành ủy Phủ Lý đã tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024) nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc thi đã thu hút đông đảo học sinh các trường THCS và THPT trong và ngoài thành phố tham gia. Ngay tuần đầu cuộc thi đã thu hút trên 12.300 lượt người, tuần hai có trên 11.800 lượt người tham gia.
Theo em Lữ Việt Khoa, Trường THPT B Phủ Lý- người giành giải Nhất cuộc thi tuần đầu tiên, tham gia cuộc thi em có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến, kết quả của chiến dịch; những chiến thắng và chiến công của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam… Qua đó em càng trân trọng những công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để có ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý chí của bản thân, đồng thời chia sẻ những hiểu biết về Chiến thắng Điện Biên Phủ đến bạn bè và người thân”. Trước đó, Thành ủy Phủ Lý cũng đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp đồng chí Lương Khánh Thiện thu hút nhiều cán bộ đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia.
Việc giáo dục truyền thống, lịch sử luôn được các cấp ủy của thành phố đặc biệt coi trọng không chỉ thông qua việc chỉ đạo thực hiện trong các nhà trường mà còn được lồng ghép trong các khóa bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng, thông qua hội thảo, tọa đàm, đặc biệt là áp dụng, đa dạng hóa các phương thức thông tin, tuyên truyền về lịch sử và truyền thống cách mạng, ứng dụng công nghệ số, phương thức truyền thông hiện đại để tăng cường tính lan tỏa, hướng tới các đối tượng khác nhau.
Theo đồng chí Lại Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị thành phố, trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, việc quan tâm chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục lịch sử, truyền thống đối với cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng, không những giúp các thế hệ nắm rõ về truyền thống lịch sử của dân tộc, địa phương, những cống hiến của cha ông dựng xây đất nước mà còn nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch
. Chính vì vậy, Ban Tuyên giáo Thành ủy luôn tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; phối hợp nghiên cứu, lựa chọn, biên soạn tài liệu phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử theo định hướng của cấp ủy cấp trên, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Khi lựa chọn xây dựng chương trình giáo dục truyền thống lịch sử, các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên luôn chủ động chọn đúng, trúng nội dung cần tập trung chuyển tải, lan tỏa, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm tổ chức; cập nhật, chỉnh lý, bổ sung kịp thời nội dung cho từng cấp, đoàn thể, ngành, lứa tuổi… giúp các đối tượng dễ tiếp nhận.
Việc giáo dục lịch sử truyền thống ở Phủ Lý không chỉ gói gọn trong việc học tập tại các nhà trường mà được thực hiện thông qua các cuộc thi, các buổi tìm hiểu thực tế của các học viên tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp sơ cấp lý luận chính trị… hay tại các buổi sinh hoạt chi bộ, hội, đoàn thể. Như tại các nhà trường cùng với thực hiện nghiêm quy định chung về số tiết dạy lịch sử truyền thống, ban giám hiệu các trường của thành phố rất chú ý đưa việc giáo dục vào các buổi sinh hoạt đầu tuần, các hoạt động ngoài giờ, các câu lạc bộ… và tổ chức đi tham quan tìm hiểu thực tế, thu thập thông tin, hình ảnh… trao đổi, giao lưu với nhân chứng lịch sử, tổ chức về nguồn, báo công tại di tích lịch sử, văn hóa hoặc lồng ghép vào hoạt động văn nghệ, thể thao, thi viết bài tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương; tổ chức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tặng quà thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân dịp lễ, Tết…
Anh Trần Văn Thành, tổ 2, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý cho biết: “Tôi là người buôn bán ở chợ, tuy nhiên qua hệ thống đài truyền thanh của thành phố, qua các pano, bảng điện tử được treo tại các tuyến đường, con phố tôi biết thêm về những sự kiện lịch sử lớn của địa phương, của đất nước đã diễn ra, qua đó càng thêm trân quý hòa bình, biết ơn các thế hệ ông cha đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, để con cháu được học tập, xây dựng cuộc sống ngày một no đủ”.
Với việc coi trọng công tác giáo dục lịch sử, truyền thống của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố đã và đang góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự hào dân tộc, xây dựng thành phố Phủ Lý văn minh, mạnh giàu.
Nguyễn Hằng