Chiều 20/7, tại huyện Bình Lục, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã về tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023) và nói chuyện chuyên đề “Phát huy truyền thống hiếu học quê hương Hà Nam”. Đến dự có các đồng chí: Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Lục và đông đảo học sinh THCS trên địa bàn huyện.
Tại đây, 200 suất quà trị giá 200 triệu đồng đã được trao cho 200 đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện.
Các đồng chí lãnh đạo đã đến thăm hai gia đình người có công tiêu biểu trên địa bàn thị trấn Bình Mỹ là ông Nguyễn Đình Ngự, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và thương binh Nguyễn An Ninh. Thông qua món quà này, các đồng chí lãnh đạo muốn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những người có công với cách mạng huyện Bình Lục nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023).
Nói chuyện chuyên đề “Phát huy truyền thống hiếu học quê hương Hà Nam” trước đông đảo những đại biểu Người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, học sinh THCS huyện Bình Lục, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bày tỏ tình cảm trân trọng, quý mến với vùng đất, con người Hà Nam nói chung, Bình Lục nói riêng. Nhà thơ khẳng định: Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Hà Nam nổi tiếng là quê hương của nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Nam Cao cùng nhiều danh sỹ tiêu biểu, có đóng góp to lớn cho sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà khác. Ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị, vùng đất này cũng đóng góp cho đất nước nhiều hiền tài, tạo nên truyền thống văn hiến quý báu. Hiếu học là truyền thống văn hóa lâu đời, góp phần hình thành cốt cách, giá trị con người Hà Nam, con người Bình Lục ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào. Thế hệ trẻ hôm nay cần phát huy, nối dài truyền thống đó thông qua con đường học hành, tự thân rèn luyện, phấn đấu không ngừng…
Từ thực tế bàn thân, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng đọc sách là con đường tự học bổ ích nhất. Ông nhấn mạnh, nhờ đọc sách mới có một nhà thơ Trần Đăng Khoa như hôm nay. Nhà văn ông thích, thuộc nhiều tác phẩm nhất chính là Nam Cao. Nhà thơ mong muốn các thế hệ học sinh Hà Nam hãy tiếp nối mạch nguồn văn chương, truyền thống hiếu học để trở thành những con người có ích cho tương lai. Ông rất vui khi biết rằng, trên địa bàn huyện Bình Lục đã và đang xây dựng các không gian văn hóa đọc hấp dẫn các tầng lớp nhân dân trong đời sống xã hội mà công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Nhân dịp này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tặng sách “Góc sân và khoảng trời” cho học sinh và các đại biểu có mặt tại buổi nói chuyện chuyên đề.
Giang Nam