Những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nam

Ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Ngay đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa và truyền ngay đến các địa phương. Ở Hà Nam, trong hai ngày 15 -16/8/1945, tại thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (Duy Tiên), Hội nghị đại biểu Việt Minh tỉnh quyết định kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Hà Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một dấu son chói lọi trong lịch sử nước ta. Bối cảnh lịch sử thế giới và trong nước thuận lợi, nhân dân yêu nước, lực lượng cách mạng trưởng thành đã tạo cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đi đến thành công rực rỡ. Phân tích tình hình và cũng để cổ vũ nhân dân, trong bài thơ “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Bây giờ Pháp mất nước rồi
Không đủ sức, không đủ người trị ta
Giặc Nhật Bản thì mới qua
Cái nền thống trị chưa ra mối thành
Lại cũng Tàu, Mỹ, Hà, Anh
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà
Ấy là nhịp tốt cho ta
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”

Cuộc đảo chính Nhật – Pháp năm 1945 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang đi đến chín muồi nhanh chóng. Đây chính là nhận định trong Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ngay trong đêm ngày 9/3/1945. Nội dung của hội nghị đã được thể hiện trong Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị quan trọng này đã chỉ đạo hoạt động của toàn Đảng, toàn dân trong cao trào kháng Nhật, cứu nước.

Những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nam
Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam” tập I (1927 – 1975) Đình Lũng Xuyên, phường Yên Bắc (Duy Tiên) - Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh tư liệu

Thi hành Chỉ thị của Trung ương, cùng với phong trào cách mạng toàn quốc phát triển nhanh chóng đã giúp cho phong trào cách mạng ở Hà Nam phục hồi và phát triển. Cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã biết đón thời cơ, chủ động đẩy mạnh các hoạt động, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh lên cao thêm một bước. Để kiện toàn Ban Cán sự Đảng các tỉnh, Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Hà Kế Tấn, Xứ ủy viên về trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng tỉnh Nam Định, Hà Nam. Hội nghị tại thôn Cao Mật (Kim Bảng) đầu tháng 5/1945 do đồng chí Hà Kế Tấn chủ trì đã quyết định những nhiệm vụ quan trọng: Công tác tuyên truyền, thành lập chính quyền cách mạng, giải quyết nạn đói, ra tờ báo Quyết Chiến để tuyên truyền, hướng dẫn và cổ vũ phong trào, tổ chức lớp huấn luyện quân sự, thu thập vũ khí trang bị cho lực lượng tự vệ. 

Công tác tuyên truyền được coi trọng với nhiều hình thức: Phát truyền đơn, tuyên truyền xung phong, mít tinh, biểu tình, kêu gọi mọi người tham gia Mặt trận Việt Minh để đánh đổ phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Để nâng cao thanh thế của Việt Minh trong toàn tỉnh, tháng 6/1945, nhân ngày hội đền Lảnh Giang xã Mộc Nam (Duy Tiên), Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tổ chức mít tinh tại sân đền. Sau mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành thị uy, biểu dương lực lượng to lớn của quần chúng. Mặt trận Việt Minh phát triển nhanh chóng ở các huyện và thị xã Phủ Lý. Việt Minh đã đứng ra cứu đói, truyền bá chữ Quốc ngữ, tổ chức bảo vệ an ninh thôn xóm, trấn áp bè lũ tay sai và bọn phản cách mạng, xây dựng căn cứ cách mạng, luyện tập quân sự, rèn sắm vũ khí, làm lực lượng xung kích cho phong trào nông dân nổi dậy phá kho thóc Nhật… đã khiến cho không khí chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền trong tỉnh trở nên mạnh mẽ, sôi nổi. Song song với việc xây dựng các tổ chức chính trị, rèn luyện đưa quần chúng ra đấu tranh, Ban Cán sự Đảng tỉnh còn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhằm đào tạo cán bộ chỉ huy, nâng cao chất lượng các đội Tự vệ cứu quốc đang ngày càng phát triển thúc đẩy cao trào kháng Nhật.

Ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Ngay đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa và truyền ngay đến các địa phương. Ở Hà Nam, trong hai ngày 15 -16/8/1945, tại thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (Duy Tiên), Hội nghị đại biểu Việt Minh tỉnh quyết định kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Hà Nam. Hội nghị quyết định giành chính quyền ở các huyện trước, sau đó tập trung lực lượng giành chính quyền ở tỉnh và huyện Thanh Liêm là địa bàn sát tỉnh lỵ. Kết hợp chính trị với quân sự, dùng dụ hàng trước khi đánh; triệt để cô lập quân Nhật, sẵn sàng đối phó khi chúng ngoan cố chống lại. 

Sau hội nghị, các cán bộ huyện về tổ chức hội nghị và truyền đạt Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng tỉnh và kế hoạch cụ thể giành chính quyền huyện. Lệnh khởi nghĩa nhanh chóng được truyền tới các cơ sở cách mạng. Sáng ngày 20/8/1945, như một sự thống nhất trong hành động, cả ba huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng đã nhất tề vùng lên khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa ở Duy Tiên diễn ra nhanh chóng, ngay trong buổi sáng, đội quân cách mạng đã chiếm được huyện lỵ và bắt tên Huyện trưởng.
 Ở Lý Nhân, huyện lỵ sát đê sông Hồng nước đang lên to trên mức báo động 3, lại là nơi có quân Nhật và các kho thóc Nhật đóng xung quanh huyện lỵ. Nhưng với kế sách chia hai mũi tiến công, sáng ngày 20/8/1945, một mũi đi bắt tên Huyện trưởng ở điếm Vũ Điện trên sông Hồng; mũi khác cấp tốc báo cho các xã từ phía bắc đến phía nam huyện huy động quần chúng tiến hành khởi nghĩa. Rất nhanh chóng, đoàn biểu tình vũ trang với rừng cờ, gươm, giáo và gậy gộc hùng dũng kéo dài 8 km đổ về phố huyện. Lính Nhật định phản kháng nhưng dưới lời lẽ cứng rắn của đồng chí chỉ huy Việt Minh, quân Nhật phải chấp thuận niêm phong các kho thóc rồi lên xe về tỉnh lỵ. Tuy nhiên, ngay sau đó quân Nhật với lực lượng viện binh đã quay lại. Do chủ động đề phòng trước, quân ta đã bố trí chiến đấu đúng hai đường tiến của giặc khiến chúng thương vong nhiều phải rút lui. 

Tại Kim Bảng, giờ khởi nghĩa vào đúng 17 giờ ngày 20/8/1945. Các mũi tiến công chủ động, linh hoạt, áp đảo quan lại, binh lính khiến chúng hoảng sợ không dám chống cự, tên Huyện trưởng đã phải cúi đầu nộp dấu ấn, hạ vũ khí đầu hàng. Tại Bình Lục, khoảng 7 giờ ngày 22/8/1945, hàng ngàn quần chúng trong huyện mang băng cờ, biểu ngữ, gậy gộc có lực lượng tự vệ hỗ trợ từ nhiều hướng tiến về bao vây huyện đường, buộc tên Huyện trưởng đầu hàng nộp dấu ấn, sổ sách, vũ khí cho Ủy ban Khởi nghĩa. Cũng trong ngày 22/8/1945, tại châu Lạc Thủy, quần chúng cách mạng tự nổi dậy  khởi nghĩa, phá chính quyền địch, sau đó cử cán bộ lên xin ý kiến Ban Cán sự về thành lập chính quyền.  

Tại thị xã Phủ Lý, tình hình phức tạp khi bọn Đại Việt hai lần mạo danh Việt Minh tổ chức quần chúng biểu tình vào tước vũ khí của trại Bảo an binh. Nhưng cơ sở của ta trong trại Bảo an binh kiên quyết không giao súng khiến chúng phải bỏ về. Sau khi đối phó với bọn Đại Việt, ngày 24/8/1945, ngay từ sáng sớm, lực lượng cách mạng của 5 huyện tiến về thị xã dưới hình thức vũ trang giành chính quyền. Ở dinh Tỉnh trưởng, quân cách mạng tiến vào hạ lệnh giải tán bộ máy, quân Nhật hoảng sợ nằm im trong doanh trại không dám kháng cự. Bọn ngụy quyền ở Thanh Liêm run sợ trước thế lực của cách mạng cũng đã nhanh chóng đầu hàng. Đúng 10 giờ ngày 24/8/1945, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã Phủ Lý đã đánh dấu Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nam thắng lợi hoàn toàn.

Những ngày tháng Tám này, đi trên những con phố rợp cờ hoa, nhớ về những ngày thu lịch sử tháng Tám năm xưa càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám là cả một quá trình và kết quả vang dội của cuộc cách mạng là ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử Việt Nam.

Chu Bình (tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy