Mới đây, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện chủ trương tổ chức, sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố cũng như chi bộ thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả. Các chi bộ thôn, tổ dân phố sau sáp nhập đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở.
Kỳ 1: Nỗ lực ổn định hoạt động sau sáp nhập
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, sau sáp nhập, hoạt động của chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước tình trạng này, đảng bộ cấp trên đã thường xuyên hướng dẫn các chi bộ về cách thức triển khai các nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ và chuyên đề, khắc phục tình trạng sinh hoạt không thường xuyên; yêu cầu các đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia sinh hoạt. Các đảng ủy cũng phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách và sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc.
Nhận diện khó khăn
Trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những khó khăn vướng mắc của các chi bộ thôn, tổ dân phố sau sáp nhập, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã chỉ đạo đảng ủy các phường, xã, thị trấn hướng dẫn các chi bộ mới sáp nhập nhanh chóng ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhân sự cấp ủy đều được lựa chọn trong số chi ủy, bí thư, phó bí thư các chi bộ sáp nhập để bầu chọn ra người có uy tín, năng lực, sức khỏe tốt, tiếp tục đảm nhiệm công việc. Hầu hết các chi bộ sau sáp nhập đều duy trì tốt nền nếp sinh hoạt; chất lượng các kỳ sinh hoạt đảng được nâng lên. Cấp ủy cấp trên cũng triển khai hướng dẫn các chi bộ cách thức triển khai nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ và chuyên đề, khắc phục tình trạng sinh hoạt không thường xuyên; yêu cầu nghiêm các đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia sinh hoạt. Các đảng ủy cấp trên phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách và sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, sau sáp nhập sắp xếp chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, sau khi sáp nhập số lượng đảng viên tăng, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể giảm về đầu mối dẫn tới khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khoảng cách từ đầu thôn đến cuối thôn xa, có những địa phương 3- 4 km ảnh hưởng đến quá trình tuyên truyền vận động quần chúng. Nhiều thôn, xóm sau khi sáp nhập chưa được xây dựng nhà văn hóa chung, dẫn tới cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho việc sinh hoạt thường xuyên gặp khó khăn. Thực hiện việc sắp xếp chi bộ thôn, tổ dân phố phần nào còn ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận người hoạt động không chuyên trách dẫn tới ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Việc thay đổi tên thôn, tổ dân phố sau sắp xếp cũng kéo theo phải thay đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ, thủ tục của người dân từ đó phát sinh sự xáo trộn, khó khăn trong công tác, chỉ đạo điều hành của bí thư chi bộ, trưởng thôn.
Đồng chí Trần Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Bối Cầu (Bình Lục) cho biết: Sau khi sáp nhập ở Đảng bộ xã Bối Cầu có 3 chi bộ thôn, trong đó Chi bộ Thôn 1 có tới 101 đảng viên, Chi bộ Thôn 3 thấp nhất có 79 đảng viên. Trong quá trình thực hiện công tác xây dựng Đảng ở các chi bộ cho thấy, bước đầu Đảng bộ xã cũng nhận diện được nhiều khó khăn vướng mắc ở các chi bộ sau khi sáp nhập. Cụ thể, với số lượng đảng viên đông, hằng tháng việc sinh hoạt chi bộ cũng không thể đạt 100% đảng viên. Tại xã Bối Cầu, nhiều đảng viên ở các chi bộ thường xuyên đi làm xa, có những đảng viên đi làm 6 tháng đến một năm mới về quê một lần, phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sinh hoạt của chi bộ, nhất là khi chi bộ họp để ban hành các nghị quyết. Hơn nữa, số lượng đảng viên đông, cũng gặp khó khăn trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ, tiếp thu ý kiến của đảng viên, nhất là khi bình xét cuối năm hoặc nhận xét kết nạp đảng viên mới. Ngoài ra, chi ủy cũng khó sâu sát đến từng đảng viên cũng như chưa thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Cũng giống như các chi bộ ở Đảng bộ xã Bối Cầu, sau khi sáp nhập, nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố trong tỉnh cũng bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh đạo. Trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, ở các chi bộ mới sáp nhập số lượng đảng viên lớn, đảng viên không đủ thời gian để phát biểu đóng góp ý kiến cho chi bộ. Một số chi bộ chưa bảo đảm sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề. Cũng vì quá đông đảng viên, việc tổ chức sinh hoạt khó khăn nên nội dung sinh hoạt còn hình thức mà chưa đánh giá sâu về công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận; ít chú ý kiểm điểm vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của chi ủy chi bộ. Hiện một số chi bộ đông đảng viên đã bước đầu thành lập các tổ đảng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để phổ biến chủ trương, nghị quyết đến đảng viên, nhưng giải pháp này cũng chỉ dừng lại ở việc truyền đạt thông tin một chiều, chưa tạo được sự tương tác mạnh mẽ giữa cấp ủy với đảng viên, cũng như giữa các đảng viên với quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế cơ sở, các chi bộ đã từng bước khắc phục khó khăn, tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn
Lấy chi bộ làm “hạt nhân’’, mỗi chi bộ mạnh thì sẽ có đảng bộ mạnh, từ đó, nâng cao vai trò trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên ở các chi bộ, góp phần đưa nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống và giúp địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Chi bộ Thôn 1, thuộc Đảng bộ xã An Nội (Bình Lục) được sáp nhập từ 4 chi bộ Điền, Đội, Cát, Tía với hơn 80 đảng viên. Đây cũng là một trong những chi bộ có số lượng đảng viên nhiều nhất của Đảng bộ xã An Nội. Sau khi sáp nhập (từ năm 2018), liên tục 5 năm qua, Chi bộ Thôn 1 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng lãnh đạo thôn ngày một vững mạnh. Để có được kết quả này, trong công tác xây dựng Đảng, Chi bộ Thôn 1 đã bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nêu cao vai trò trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Cụ thể, khi sinh hoạt chi bộ thường kỳ hoặc triển khai nhiệm vụ đột xuất, trước hết cấp ủy phải bàn bạc thấu đáo, có kế hoạch rõ ràng sau đó mới đưa ra chi bộ thảo luận công khai dân chủ. Căn cứ vào đó, chi bộ giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên, chịu trách nhiệm vận động tuyên truyền tới các tổ chức đoàn thể và các hộ dân trong thôn, xóm. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm. Trong sinh hoạt chi bộ, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế tồn tại, phát huy những điểm mạnh để nhân rộng phong trào. Với cách làm này, trong nhiều năm qua, Chi bộ Thôn 1 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như vận động nhân dân hiến đất, đóng góp quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế hộ, xây dựng gia đình văn hóa.
Đồng chí Lã Anh Đào, Bí thư Chi bộ Thôn 1, Đảng bộ xã An Nội cho biết: Muốn chi bộ mạnh phải nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ đảng viên khi được giao bất cứ một công việc gì, dù to hay nhỏ, khó hay dễ, người được giao việc phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện công việc một cách tự giác, làm đến nơi đến chốn để đạt kết quả tốt nhất. Nếu không có tinh thần, ý thức trách nhiệm, sẽ triển khai công việc một cách đại khái, qua loa, làm cho xong, cho có, hoặc dễ thì làm, khó thì bỏ dẫn đến kết quả chất lượng công việc không cao, không đạt theo đúng yêu cầu đề ra. Ý thức trách nhiệm của mỗi người được thể hiện qua việc nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng và sáng tạo đường lối đó. Ý thức trách nhiệm sẽ quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc và để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao đòi hỏi cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm.
Thời gian qua, đảng ủy các phường, xã trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn các chi bộ mới sáp nhập về cách thức triển khai các nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ và chuyên đề, khắc phục tình trạng sinh hoạt không thường xuyên và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia sinh hoạt của đảng viên. Các đảng ủy cũng phân công các đồng chí thường vụ đảng ủy, đảng ủy viên phụ trách và sinh hoạt với các chi bộ.
Kỳ 2: Phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ trong tình hình mới
Trần Thoan - Nguyễn Oanh