Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội

Những năm qua, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực phát huy vai trò của mình trong việc góp ý, phản biện xã hội (PBXH) đối với nhiều vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cũng như các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện vai trò triển khai tổ chức hoạt động PBXH, từ năm 2020 đến nay, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên đã tích cực tham gia thẩm định để góp ý, đề xuất, kiến nghị đối với dự thảo một số quy định, chương trình, đề án do các cơ quan có thẩm quyền của địa phương soạn thảo. Trên cơ sở nắm bắt kịp thời việc xây dựng dự thảo các văn bản, Ủy ban MTTQ thị xã đã có sự lựa chọn các nội dung tổ chức PBXH bảo đảm các yêu cầu phù hợp thực tế và phù hợp với năng lực phản biện của các thành viên tham gia phản biện.

Để chuẩn bị thực hiện PBXH đối với bất cứ nội dung nào, Ủy ban MTTQ thị xã chủ động xây dựng kịch bản gợi ý các vấn đề cần phản biện gửi thành viên MTTQ tìm hiểu, nghiên cứu; giao nhiệm vụ cho tổ tư vấn dân chủ pháp luật. Tại các hội nghị PBXH, bên cạnh sự tham gia của Thường trực Ủy ban MTTQ thị xã, tổ tư vấn dân chủ pháp luật, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và các địa bàn dân cư nếu có liên quan… còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND thị xã cùng các cơ quan chuyên môn để tiếp thu, trình bày, làm rõ các vấn đề được đưa ra phản biện. Mọi ý kiến, kiến nghị, giải trình trong hội nghị PBXH sẽ được Ủy ban MTTQ thị xã tổng hợp gửi về các đầu mối để hoàn thiện trước khi ban hành các quy định, đề án.

Trong 3 năm trở lại đây, Ủy ban MTTQ thị xã đã tổ chức được một số hội nghị PBXH các dự thảo như: Đề án Phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất nông nghiệp tại nguồn; Đề án Xây dựng nếp sống mới, xây dựng người Duy Tiên văn minh đô thị giai đoạn 2020 - 2030; Quy định về việc công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thị xã Duy Tiên.

Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội
Hội nghị PBXH đối với Dự thảo Quy định về việc công nhận tuyến phố văn minh trên địa bàn thị xã Duy Tiên do Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên tổ chức.

Đồng chí Trần Đình Tiến, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên cho biết: Có thể thấy, nhận thức về vai trò phản biện của hệ thống MTTQ đã có nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trên thực tế, đây là nhiệm vụ khó nhưng MTTQ và các tổ chức CT-XH đã làm tương đối tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng công tác PBXH. Các nội dung, các vấn đề được đưa ra PBXH đã nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn. Hơn thế, bảo đảm tính chất lượng, phù hợp thực tiễn của một số văn bản trước khi ban hành nên khi tổ chức thực hiện đã được đông đảo nhân dân đồng thuận.

Được biết, để tạo điều kiện cho MTTQ và các tổ chức CT-XH cùng cấp trong công tác PBXH, tỉnh Hà Nam đã xây dựng được Quy chế phối hợp 3 bên giữa: HĐND-UBND và Ủy ban MTTQ ở các cấp, quy định cụ thể trách nhiệm của các bên trong việc phối hợp thực hiện công tác PBXH. Hằng năm, trên cơ sở chương trình thực hiện công tác PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH, sau khi được ban thường vụ cấp ủy thống nhất chỉ đạo tổ chức thực hiện, UBND các cấp đều có văn bản chỉ đạo các ban, ngành cùng cấp phối hợp thực hiện công tác PBXH bảo đảm đúng quy định, kịp thời, hiệu quả. 
 

Về phía MTTQ, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai thực hiện quy định về PBXH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện quyết định này trong hệ thống MTTQ các cấp; đồng thời, tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện quy định tới cán bộ mặt trận từ tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai nội dung quy định và các văn bản hướng dẫn thực hiện đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. 

Công tác PBXH của MTTQ các cấp trong tỉnh đã được quy định, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ với 3 hình thức, bảo đảm để MTTQ các cấp phát huy tốt vai trò PBXH, giúp cho mọi cán bộ, công chức trong hệ thống MTTQ, các tổ chức CT-XH tiếp cận được các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác PBXH, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp thực hiện công tác này.

Vào quý IV hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn MTTQ các cấp thực hiện đăng ký nội dung PBXH, định hướng cho các địa phương mỗi năm thực hiện từ 1 - 2 hội nghị PBXH. Bám sát sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, trên cơ sở đề xuất về nội dung PBXH đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức được 4 hội nghị PBXH như: phản biện đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; chủ trì phối hợp với Hội Nông dân tỉnh PBXH đối với dự thảo “Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020”; phản biện đối với Dự thảo “Đề án phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Phủ Lý và các thị trấn giai đoạn 2019-2022” của UBND tỉnh; phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2025 và tham gia PBXH với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về dự thảo Kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của UBND tỉnh. 

Các hội nghị PBXH được tổ chức theo đúng quy định, nhiều ý kiến phản biện có chất lượng, tính xây dựng, được cơ quan soạn thảo đánh giá cao và nhiều nội dung được cơ quan soạn thảo dự thảo văn bản tiếp thu. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tham gia PBXH với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, góp ý vào gần 50 văn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị phản biện đối với dự thảo “Nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và kinh phí hoạt động đối với các tổ chức CT - XH ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam” (sửa đổi); Dự thảo Đề án Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với những người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức CT - XH ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh… Đây đều là các vấn đề được quan tâm nên việc tổ chức hội nghị PBXH để tập trung các ý kiến đánh giá, kiến nghị, đề xuất có ý nghĩa quan trọng để các quy định sớm đi vào thực tiễn, đáp ứng sự quan tâm của xã hội.

Đối với cấp huyện, thành phố, thị xã, số lượng hội nghị PBXH do cơ quan MTTQ chủ trì tổ chức chưa được nhiều, có đơn vị đến nay chưa tổ chức được hội nghị PBXH nào; hầu hết mới chỉ tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo của các cơ quan chủ trì soạn thảo như: tham gia góp ý sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, các dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết, các kế hoạch, đề án về phát triển KT-XH, an ninh – quốc phòng của địa phương.

Đồng chí Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lý Nhân cho biết: Để thực hiện được việc PBXH về các vấn đề không thể không có được các nguồn dự thảo văn bản về quy định, quy chế, chính sách hay đề án liên quan đến các chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Trong những năm qua, việc xây dựng các văn bản của địa phương cơ bản được đánh giá là thuần túy, phù hợp với thực tiễn và chủ thể ban hành văn bản không có nhu cầu phản biện trước khi ban hành nên cơ quan MTTQ huyện cũng như các tổ chức CT-XH thành viên chưa tổ chức được hội nghị PBXH… Theo một cán bộ Ban Phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, do không được tiếp cận và không có nguồn dự thảo các văn bản cũng chính là nguyên nhân khiến cho công tác PBXH khó được tổ chức thực hiện. 

PBXH là một kênh quan trọng nói lên sự phản hồi của xã hội đối với các hoạt động lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước; thực chất là để người dân, các tổ chức CT-XH tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH. Quan trọng nhất, mục đích chính trị của PBXH chính là góp phần tạo ra và bảo đảm sự đồng thuận xã hội, sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: Đây là hoạt động rất khó thực hiện, đòi hỏi người tham gia phản biện phải có trình độ, năng lực, khả năng tư duy, dự báo, phán đoán và kỹ năng phản biện tốt, phải am hiểu về lĩnh vực tham gia phản biện. Để nâng cao chất lượng công tác PBXH, bên cạnh sự chủ động của MTTQ trong việc thường xuyên tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ, nhất là kiến thức về phản biện cho đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể các cấp, còn rất cần có sự tham gia của những người có uy tín, chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia để thực hiện các cuộc PBXH. Đồng thời, cần có sự vào cuộc phối hợp, trao đổi, phản ánh thông tin tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, các ngành chức năng. 

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy