Sáng 19/12, tại Khu du lịch Tam Chúc (Kim Bảng), Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung ương (gọi tắt là Hội đồng) phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội thảo Khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” (gọi tắt là NQ 23).
Dự hội thảo về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung ương; Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; các Hội chuyên ngành Văn học nghệ thuật Trung ương, các tỉnh, thành phố...
Về phía tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Hà Nam, Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch...
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định VHNT là lĩnh vực quan trọng và đặc biệt tinh tế, cao quý; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xa hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết và tài năng của đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước chúng ta vui mừng nhận thấy VHNT đã đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực, các ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, giá trị tư tưởng và nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy chủ nghĩa yêu nước và nhân văn gắn bó máu thịt với dân tộc…
Nhưng VHNT cũng bộc lộ những hạn chế: Đội ngũ người làm VHNT ngày càng thiếu vắng những tài năng thực thụ; Các tác phẩm mới xuất hiện nhiều hơn, nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng. Di sản lý luận phê bình của cha ông chưa được nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo, trong khi những biểu hiện tiếp thu thiếu chọn lọc và có phần nóng vội đối với một số lý thuyết văn học nước ngoài chậm được khắc phục. Công tác đào tạo tài năng trẻ trong lý luận phê bình còn nhiều bất cập…
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tổ chức tổng kết nghị quyết nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của hệ thống chính trị nhất là đội ngũ lãnh đạo quản lý về bản chất, đặc trưng, vai trò của VHNT đối với sự phát triển bền vững đất nước. Phải xem VHNT như một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển và sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về VHNT thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp với thực tiễn.
Huy động nguồn lực để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống lý luận VHNT của Việt Nam. Cải thiện môi trường sáng tạo, làm nghề của văn nghệ sỹ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, tiềm năng, kích thích năng lượng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ; Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường trong giáo dục, định hướng, bồi đắp lý tưởng thẩm mỹ, lành mạnh cho thế hệ trẻ.
Đồng chí khẳng định, để hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng về phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới, chính anh em văn nghệ sỹ là lực lượng tiên phong gánh vác sứ mệnh vẻ vang, chăm lo, bồi dưỡng nhân cách, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu khẳng định: Hà Nam là vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa, có lịch sử ra đời và tồn tại hàng nghìn năm; nơi sinh ra nhiều nhà quân sự, văn hóa, cách mạng tiếng tăm trong lịch sử như Trần Bình Trọng, Trần Tử Bình, nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Nam Cao, nhà báo Hoàng Tùng...Với trên 1.800 di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để các thế hệ người Hà Nam trong mọi giai đoạn lịch sử không ngừng nỗ lực vươn lên, phát huy truyền thống văn hóa, chiến đấu, lao động, xây dựng quê hương đất nước.
Hiện nay, Hà Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; Sự nghiệp văn hoá, văn học nghệ thuật đạt nhiều kết quả tích cực. VHNT có bước phát triển mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần ngày càng cao của Nhân dân; thiết thực cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của đất nước trong tình hình mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thuỷ nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa định hướng, gợi mở để Hà Nam tiếp tục phát triển VHNT trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Qua đây, Hà Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của các chuyên gia, các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ để trong thời gian tới tỉnh Hà Nam sẽ có nhiều tác phẩm VHNT viết về mảnh đất, văn hóa và con người Hà Nam nhằm quảng bá, giới thiệu Hà Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế; để Hà Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung ương khẳng định: Hội thảo là bước chuẩn bị quan trọng, để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 – NQ/TW; Từ đó nhìn nhận, đánh giá, góp phần bổ sung và hoàn thiện một bước đường lối, cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước phát triển VHNT thời kỳ chấn hưng nền văn hóa dân tộc, đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện văn hóa số, truyền thông số và hội nhập sâu rộng, tích cực với thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng mong muốn, Hội thảo cần bám sát tinh thần, nội dung của nghị quyết, nhất là phần mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới. Đặc biệt có sự liên hệ, minh chứng sinh động sâu sắc tình hình thực hiện NQ 23 ở các Ban, Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, nhận thức rõ những ưu điểm, kết quả, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm; xác định nguyên nhân và bài học cần đề xuất nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá để phát triển văn học nghệ thuật nhiều năm tiếp theo.
Giang Nam