Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Luật được ban hành là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó, trong năm 2024, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được các địa phương, đơn vị tiếp tục phối hợp thực hiện theo phương châm hướng mạnh về cơ sở.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tổ chức hội nghị tập huấn về thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2024 cho đại biểu là thành viên BCĐ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Thường trực BCĐ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; lãnh đạo, chuyên viên ban dân vận các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; trưởng BCĐ các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trực tiếp truyền đạt 2 chuyên đề: Những nội dung mới trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Công tác tham mưu của BCĐ thực hiện quy chế dân chủ các cấp trong triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc cập nhật kịp thời nội dung mới trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cơ sở quan trọng để các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, thực sự đưa luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, công tác tham mưu của BCĐ Quy chế dân chủ ở các cấp là nội dung hết sức cần thiết nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của BCĐ trong công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, những năm qua, Tỉnh ủy Hà Nam luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, coi việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng đã tăng cường chỉ đạo cụ thể hóa việc phát huy quyền làm chủ và mở rộng dân chủ trực tiếp của nhân dân. Các cấp chính quyền tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, công khai, minh bạch trong công tác quản lý, điều hành. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội…
Thực hiện dân chủ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc thực hiện quyền làm chủ của mỗi công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chính vì vậy trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để tổ chức thi hành luật, góp phần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Nguyễn Khánh