Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, chủ trương một số nội dung về phát triển kinh tế - xã hội theo thẩm quyền

Chiều 22/6, BTV Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội; nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo, đề xuất giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để nâng cao chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan và một số huyện, thành phố.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến cho chủ trương một số nội dung về phát triển kinh tế  xã hội theo thẩm quyền
Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Hội nghị đã nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo các đồ án: Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý; Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu vực phía Nam đường Đinh Tiên Hoàng địa bàn xã Liêm Chung và xã Liêm Tiết, thành phố Phủ Lý; Đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu thương mại và nhà ở tại địa bàn xã Đinh Xá và Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở thuộc địa bàn các xã Công Lý, Đức Lý, huyện Lý Nhân. Cho ý kiến, chủ trương các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, BTV Tỉnh ủy đã thảo luận, nhất trí với các đồ án trình.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy thống nhất với các nội dung do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình. Đồng chí yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến cho chủ trương một số nội dung về phát triển kinh tế  xã hội theo thẩm quyền
Các đại biểu dự hội nghị.

Hội nghị cũng đã nghe, cho ý kiến về chủ trương đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư hỗ trợ đầu tư vốn ngân sách Trung ương cho dự án nạo vét, gia cố sông Kinh Thủy, huyện Thanh Liêm và chủ trương ký kết thỏa thuận hợp tác(MOU) giữa tỉnh Hà Nam và Quận HamPyeong (tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc) đưa người lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022. Theo đó, BTV Tỉnh ủy nhất trí với các chủ trương do Ban Cán sự UBND tỉnh trình.

Ngoài các nội dung trên, hội nghị cũng đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Hà Nam năm 2021 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chỉ số trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Qua công bố kết quả năm 2021, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố tụt 17 bậc so với năm 2020; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 đạt 43,285 điểm, xếp thứ 07 trong nhóm 15 tỉnh, thành phố xếp hạng trung bình cao và xếp thứ 22/60 trên cả nước tụt 4 bậc so với năm 2020. Trong đó: Đối với Chỉ số PAPI có 02/08 chỉ số thành phần giảm cấp độ đánh giá so với năm 2020, gồm: Chỉ số “Tham gia của người dân cấp cơ sở” từ nhóm cao nhất xuống nhóm trung bình cao; Chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” từ nhóm cao nhất giảm xuống nhóm thấp nhất trong năm 2021. Đối với Chỉ số PAR INDEX, các chỉ số thành phần giảm nhiều như: Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế- xã hội - giảm 16 bậc; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - giảm 59 bậc; Hiện đại hóa hành chính - giảm 20 bậc; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật - giảm 37 bậc… Một số tồn tại hạn chế chủ yếu mất điểm đó là: Công tác chỉ đạo điều hành, Cải cách thủ tục hành chính, Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến cho chủ trương một số nội dung về phát triển kinh tế  xã hội theo thẩm quyền
Đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Thảo luận, cho ý kiến về nội dung này, BTV Tỉnh ủy đã tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; nguyên nhân chính, mang tính cốt lõi dẫn đến các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh bị sụt giảm; làm rõ vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị… Đồng thời đề xuất giải pháp sát thực, khả thi để khắc phục và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế, đề xuất của Ban cán sự đảng UBND tỉnh như báo cáo trình tại hội nghị. Để thực hiện tốt mục tiêu về cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 26/5/2022 về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, MTTQ, HĐND; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính đảm bảo đồng bộ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính. Trách nhiệm cán bộ, đối thoại với công dân.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung: Kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém đã được xác định qua đánh giá các chỉ số về CCHC năm 2021 đảm bảo toàn diện, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến thực sự góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính của tỉnh. Phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm chủ trì, phối hợp của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện làm căn cứ để đánh giá, xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy trình, quy định.

Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, thay thế các văn bản chưa phù hợp, đảm bảo thuận lợi, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng. Chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, coi đây là giải pháp đột phá thực hiện hiện đại hóa nên hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính của tỉnh. Vận hành hoạt động hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh tỉnh. Khẩn trương thực hiện phê duyệt và chỉ đạo việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức đúng vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp theo đúng quyết định phê duyệt. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa; xây dựng kế hoạch đào  tạo, bồi dưỡng các kỹ năng về giao tiếp, nghiệp vụ về tiếp nhận và xử lý hồ sơ của công dân và tổ chức đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng đó đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra giám sát việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Chú trọng công tác đánh giá, chấm điểm về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo thực chất, khách quan, chính xác gắn với công tác thi đua khen thưởng, đánh giá cán bộ.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết, sự ủng hộ của đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác cải cách hành chính. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan hành chính các cấp, việc thực thi nhiệm vụ, công vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có biện pháp nâng cao  hiệu quả các thiết chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân./.   

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy