Sáng nay (3/8), Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh, khóa XIX tiếp tục chương trình làm việc với các nội dung: thảo luận tại hội trường; trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn.
Dự phiên họp có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.
Tại phiên họp, dưới sự điều hành của đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường. Có 15 ý kiến tập trung làm rõ các kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nội dung một số tờ trình, dự thảo nghị quết; đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH những tháng cuối năm 2022.
Cụ thể, đại biểu đã đề cập đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB các dự án (quy định rõ về đất xen kẹp trong GPMB; đơn giá đền bù GPMB đối với cây trồng vật nuôi cần điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế); giải pháp phát triển du lịch bền vững; thuê quyền sử dụng đất; rà soát các quy hoạch để thực hiện có hiệu quả; phân luồng học sinh THCS; về mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với các bậc học trên địa bàn tỉnh; bình ổn giá cả khi giá xăng giảm; cụ thể hóa các chỉ tiêu trong xây dựng NTM, NTM nâng cao; giải quyết những tồn đọng trong xây, sửa nhà ở cho người có công; cải cách tư pháp(hệ thống camera giám sát tại phiên tòa; tổ chức phiên tòa trực tuyến); các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022 (quyết tâm thực hiện, không điều chỉnh chỉ tiêu); tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý ô nhiễm môi trường(đặc biệt cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong giải quyết ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy; xe quá khổ, quá tải; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo(nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, phòng ngừa tham nhũng, hạn chế đơn thư kéo dài, vượt cấp…); hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số ý kiến đề nghị cần có giải pháp, chính sách thúc đẩy sử dụng đất có hiệu quả trong xây dựng, phát triển các khu đô thị…
Tiếp đó, dưới sự điều hành của đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kỳ họp đã tiến hành nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn, trả lời chất vấn theo tinh thần dân chủ, đổi mới, trách nhiệm, thẳng thắn, có trọng tâm, trọng điểm, hỏi nhanh, đáp gọn, đúng, trúng vấn đề cử tri và đại biểu nêu. HĐND tỉnh cũng bố trí số điện thoại đường dây ‘nóng để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Xây dựng đã đăng đàn trực tiếp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân trong tỉnh gửi tới kỳ họp cũng như chất vấn của đại biểu đều tập trung vào một số lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, xây dựng; hỗ trợ nhà ở cho người có công và người nghèo; đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân… Đây là những vấn đề sát thực, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân và cử tri trong tỉnh. Trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn được pháp luật quy định, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đại diện các sở, ngành đã giải đáp, làm rõ, xác định rõ lộ trình giải quyết, đề ra các giải pháp khắc phục những vấn đề cử tri và đại biểu nêu.
Liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền phụ trách, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhận được 10 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp, 2 ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và một số ý kiến của cử tri qua đường dây nóng tập trung vào các nội dung chính: đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kè sông Đáy đoạn từ cầu Châu Sơn đến cầu Đọ Xá thuộc địa phận phường Châu Sơn; xây dựng trạm bơm Tràng Châu và trạm bơm Thịnh Châu để đảm bảo tiêu, thoát nước trước mùa mưa lũ; xử lý chống sạt lở và tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy và đầu tư một số tuyến kè, đê bối; quan tâm nạo vét, đầu tư kiên cố hóa, cải tạo, nâng cấp 1 số tuyến kênh, mương do tỉnh quản lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ giá đối với phân bón, hỗ trợ giống. Chi trả tiền bồi thường GPMB cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án xây dựng tuyến bối chống tràn từ cầu Câu Tử đến xã Liêm Tuyền; đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt khi cung cấp cho nhân dân của một số Công ty nước sạch; kết quả, hiệu quả tích tụ đất phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao; phát huy tiềm năng, giá trị sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, tạo dựng và khẳng định được thương hiệu một số sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh; tình trạng lãng phí đất nông nghiệp...
Liên quan đến tình trạng giá một số loại vật tư nông nghiệp tăng cao gây khó khăn cho bà con nông dân trong thời gian gần đây, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường , đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Lý Nhân chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh: Trước tình trạng giá vật tư nông nghiệp đặc biệt là phân bón tăng cao, trong khi giá các sản phẩm nông sản không tăng; cùng với đó tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý về lĩnh vực này, đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ bà con nông dân?
Ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trả lời: Do ảnh hưởng chiến sự ở Ukraine nên có tình trạng giá cả một số vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón tăng cao, nếu chỉ thực hiện hỗ trợ giá phân bón hoặc vật tư chăn nuôi ở mức khoảng 10% thôi thì kinh phí hỗ trợ trong 1 năm là rất lớn, như vậy, ngân sách của tỉnh sẽ không đủ để thực hiện cân đối ngân sách. Vì thế, ngành nông nghiệp không đặt vấn đề tham mưu cho các cấp, ngành hỗ trợ cho bà con nông dân, mà chỉ có giải pháp về phân bón là đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón Nano.
Thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, đã có 5 ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp gửi tới kỳ họp, 1 ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh và ý kiến qua đường dây nóng liên quan đến: việc xem xét quy định việc sử dụng vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng cơ bản do Nhà nước làm chủ đầu tư “Không sử dụng gạch nung, mà dùng gạch không nung” , như vậy là không công bằng và thiếu bình đẳng đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch nung có đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước. Trong khi, nguyên liệu để sản xuất gạch không nung là đá và xi măng, cũng phần nào gây ô nhiễm môi trường, chi phí vận chuyển cao, mặt khác trọng lượng gạch không nung rất nặng, gây áp lực lên móng công trình và khó khăn cho việc thi công; cung cấp nước sạch cho nhân dân thành phố Phủ Lý; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; đảm bảo quỹ đất công ích để phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của người dân khi thẩm định, phê duyệt các dự án khu đô thị; giải quyết việc nhà máy nước sạch Hà Nam đóng trên địa bàn lấy nước từ sông Đáy cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân sử dụng không đảm bảo về chất lượng (nước đục có mùi) không khử clo và không biết được cơ quan nào kiểm tra, đánh giá, thẩm định chất lượng hàng ngày; bất cập trong việc lập và quản lý quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Quang Vinh, đại biểu HĐND tỉnh tại TP Phủ Lý chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng: Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 21/11/2017 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019. Đến nay, quy hoạch của 6 đơn vị cấp huyện (huyện, thành phố, thị xã) đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt và đang rất tích cực triển khai thực hiện các bước tiếp theo, nhất là hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 báo cáo Hội đồng thẩm định Quốc gia cho ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh xem xét thông qua. Với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, đề nghị ông Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Những vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện Luật Quy hoạch trên địa bàn tỉnh, các giải pháp khắc phục nhằm hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quang Huy cho biết: Theo Luật Quy hoạch năm 2019, việc triển khai lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ về nội hàm, chưa được quy định cụ thể trong quá trình lập quy hoạch dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch trong một số văn bản luật còn mâu thuẫn, chồng chéo và khó triển khai trên thực tiễn (như về thời kỳ quy hoạch giữa các loại quy hoạch, phạm vi và các loại cấp độ quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch sử dụng đất còn khác nhau...). Việc lập các phương án phát triển ngành lĩnh vực đòi hỏi chuyên gia tư vấn nghiên cứu sâu, khảo sát đánh giá kỹ hiện trạng và tổng hợp phân tích đưa ra phương án phát triển mang tính tổng thể, thống nhất đồng bộ với các phương án phát triển kinh tế - xã hội, phương án phát triển đô thị, khu chức năng trên địa bàn tỉnh.
Để tháo gõ vướng mắc liên quan, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về Quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Đối với Quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: theo ý kiến của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, sẽ hoàn thành cuối năm 2022.
Buổi chiều cùng ngày, kỳ họp tiếp tục nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri và chất vấn, trả lời chất vấn./.
Thu Thảo