Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Phát biểu thảo luận, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã trình trước Quốc hội.
Theo đại biểu, năm 2024, trong bối cảnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài, những bất cập, hạn chế về nội lực của nền kinh tế bên trong, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão, lũ; song với sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế: Tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ lãi suất, giảm lãi vay chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn; tốc độ tăng trưởng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm liền không đạt, nhưng vẫn còn thấp (đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân về kết quả này để có giải pháp phát huy hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, ngập úng, sạt lở đất vẫn là thách thức, gây tâm lý bất ổn và tổn thất lớn; lĩnh vực y tế, giáo dục, chế độ chính sách vẫn còn nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân có ý kiến chưa được xử lý, giải quyết...
Những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 là khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng tập trung phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đề ra; nhiệm vụ đặt ra phía trước là rất nặng nề và dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính; lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư các hạ tầng kết nối; chương trình mục tiêu quốc gia (nghiên cứu cơ chế cho phép điều chuyển nguồn vốn từ dự án chậm sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư). Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo rà soát và xây dựng chương trình tổng thể về công tác cảnh báo, phòng, chống thiên tai, bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, bão lũ xảy ra...
Cùng với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh tế, Chính phủ cũng cần tập trung chỉ đạo xử lý những vấn đề nhiều cử tri quan tâm và có kiến nghị lâu nay như: tình trạng thiếu biên chế giáo viên phổ thông; những bất cập trong việc đổi mới chương trình giáo dục, việc sử dụng sách giáo khoa, tình trạng dạy thêm, lạm thu trong các nhà trường; tình trạng thiếu thuốc, chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, thiếu vắc -xin tiêm chủng. Tiếp tục quan thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng...; sớm ban hành Đề án hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp theo đúng ý nghĩa, mục tiêu đề ra. Người dân đang rất kỳ vọng, mong chờ về hiệu quả, những thay đổi từ các dự án luật, quy định, chính sách mới mà Quốc hội, Chính phủ đã và đang sửa đổi.
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ ngành, đơn vị có liên quan xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, sớm đưa 2 bệnh viện đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Tiếp tục quan tâm xử lý khắc phục, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các hệ thống sông, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy, Châu Giang ở Hà Nam.
P.V (tổng hợp)