Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện thông suốt, nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ và thống nhất 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) về khai sinh và khai tử của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trong lĩnh vực tư pháp. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Ngày 10/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Theo đó, về nguyên tắc thực hiện quy trình liên thông điện tử, Nghị định nêu rõ việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được thực hiện hợp lý, khoa học, bảo đảm yêu cầu khai thác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa TTHC giữa các cơ quan, tổ chức và người yêu cầu, không yêu cầu nộp bản giấy; chuyển phương thức xử lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo thuận lợi cho người yêu cầu và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp nhận giải quyết TTHC. Việc thực hiện TTHC liên thông điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật; không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức. Kết quả giải quyết của TTHC thuộc nhóm TTHC liên thông điện tử là thành phần hồ sơ của thủ tục khác trong nhóm sẽ được hệ thống tự động chia sẻ để hoàn thiện hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Có thể thấy, việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông trên môi trường điện tử đã mang đến rất nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần để giải quyết nhiều TTHC, cắt giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian, chi phí đi lại và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện và quản lý, khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ; nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước.
Tại Hà Nam, việc triển khai thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được bảo đảm thông suốt, nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ và thống nhất. Theo đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 63 của Chính phủ, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại nghị định. Ngày 4/7/2024, Sở Tư pháp đã phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Cục Công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn trực tuyến về quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đối với 2 nhóm TTHC liên thông theo Nghị định số 63 cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp cho cán bộ, công chức tư pháp - hộ tịch các cấp nâng cao nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông điện tử 2 nhóm TTHC trên. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình kết nối, trao đổi dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đến nay, 100% công chức làm công tác hộ tịch của 6 phòng tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch của 109 xã, phường, thị trấn cơ bản đã thực hiện được quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm TTHC.
Về mặt hạ tầng kỹ thuật, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Phần mềm Dịch vụ công liên thông và các phần mềm chuyên ngành của ngành Tư pháp; Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng là đầu mối trong các nhóm hỗ trợ của tỉnh, của Bộ Tư pháp để kịp thời tổng hợp, hỗ trợ xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy trình liên thông điện tử với 2 nhóm TTHC tại địa phương.
Với những biện pháp đồng bộ, hiệu quả, ngày 18/7/2024, tỉnh Hà Nam là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên trên cả nước chính thức triển khai thực hiện quy trình giải quyết 2 nhóm TTHC liên thông theo quy định tại Nghị định số 63 trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, từ ngày 1/1 - 31/7/2024, tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết TTHC liên thông đối với nhóm thủ tục đăng ký khai sinh là 6.870 hồ sơ; nhóm thủ tục đăng ký khai tử là 3.720 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo quy trình của Nghị định số 63 là 619 hồ sơ khai sinh, 249 hồ sơ khai tử.
Thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC về khai sinh và khai tử trên môi trường điện tử không chỉ mang lại lợi ích, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục như: việc đồng bộ hồ sơ liên thông cũng như kết quả bản điện tử từ "một cửa" của tỉnh sang phần mềm hộ tịch và ngược lại thường xuyên gặp lỗi; khi đồng bộ sang phần mềm hộ tịch bị thiếu các trường thông tin của công dân như nơi sinh, quê quán...
Nguyễn Khánh