Sáng 7/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần), UBND thị xã Duy Tiên đã long trọng tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn xuân Nhâm Dần 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã về dự lễ hội.
Dự lễ hội còn có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Hội đồng hương Hà Nam các tỉnh, thành phố…
Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Duy Tiên, lãnh đạo xã Tiên Sơn cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương.
Theo nghi thức truyền thống, mở đầu buổi lễ là màn trống hội, màn múa rồng do nhân dân làng Đọi Tam, Đọi Tín trình diễn. Kết thúc màn trống hội và múa rồng, nghệ nhân Phạm Chí Khang-Trưởng Ban khánh tiết thôn Đọi Tam thay mặt nhân dân địa phương đọc văn trình trước linh vị vua Lê Đại Hành. Nội dung văn trình kể về lịch sử hình thành nghi thức cày tịch điền, công ơn vua Lê Đại Hành cũng như sự giữ gìn tiếp nối lễ tục đẹp của các triều đại sau, tấm lòng tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền nhân…
Sau nghi lễ đọc văn trình, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo thị xã Duy Tiên và xã Tiên Sơn đã làm lễ dâng hương, bày tỏ lòng thành kính lên đàn tế Thần nông và linh vị vua Lê Đại Hành.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong hàng ngàn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền trong cả nước, Lễ hội Tịch điền của Hà Nam đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội này đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một lễ hội giàu tính nhân văn có ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang mở mang ruộng đồng, đề cao quan điểm lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội. Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày đánh thức đất đai khai xuân động thổ đầu xuân năm mới, mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu, người dân ấm no hạnh phúc là niềm mong đợi của người dân Hà Nam và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng như cả nước ta.
Trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 trong năm 2021, nông nghiệp nông thôn của chúng ta một lần nữa đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, góp nên nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp cho cộng đồng quốc tế, xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Từ khi tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức Lễ hội Tịch điền đến nay, năm nào cũng tạo ra không khí phấn khởi trong thi đua sản xuất giúp tăng năng suất lúa, các chương trình, dự án được triển khai đem lại giá trị kinh tế cao; trên đồng ruộng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, áp dụng mạnh cơ giới hóa, mô hình trồng và nhân giống cây trồng cánh đồng mẫu lớn, liên kết các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng.
Sản xuất chế biến nông sản Việt Nam nói chung của tỉnh Hà Nam nói riêng đã chuyển mình mạnh mẽ và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nông thôn mới ở nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, thay đổi đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đối với tỉnh Hà Nam, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, từng bước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của tỉnh đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, đặc biệt là nền nông nghiệp lúa nước với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc mà lễ hội Tịch điền là một ví dụ, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trong đó có tỉnh Hà Nam tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị, chuẩn mực văn hóa để văn hóa là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước….
Trong bài phát biểu, đồng chí Chủ tịch nước xúc động nói: Trong không khí ấm áp của những ngày xuân Nhâm Dần, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn như hiệu lệnh, tiếng trống thôi thúc nông dân bước vào mùa vụ mới xuống đồng sản xuất nông nghiệp tạo ra mùa bội thu cao hơn trong năm 2021. Tôi tin tưởng rằng ý nghĩa khuyến nông sâu sắc của Lễ hội Tịch điền mang đến cho tất cả mọi người một khí thế mới, một không khí lao động hăng say, một tinh thần hiện đại hóa ngành nông nghiệp để góp phần đưa Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đi vào cuộc sống xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, tỉnh Hà Nam ngày càng giàu mạnh.
Nhập linh khí quân vương là diễn xướng biểu tượng hóa hình ảnh vị minh quân Lê Đại Hành. Theo phong tục, lễ tịch điền là ngày hội xuân. Sau khi đã làm lễ cúng Thần nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 sá, các vương tôn, công khanh cày 7 sá, sĩ phu cày 9 sá. Giống lúa cấy trên ruộng Tịch điền được tuyển chọn cho thứ gạo ngon, quý được dùng làm phẩm vật trong các tế lễ quan trọng của triều đình. Sử chép: Mùa xuân năm Đinh Hợi 987 khi vua Lê Đại Hành đi cày ở chân núi Đọi được một hũ vàng, năm 988 vua cày ở Bàn Hải lại được một hũ bạc vì vậy hai thửa ruộng trên được đặt tên là “Kim ngân điền”. Thời Lý, Trần, các lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của đất nước vào mùa xuân.
Theo nghi lễ một cụ cao niên ở Đọi Sơn đã được lựa chọn để làm lễ nhập linh khí của vua Lê Đại Hành. Sau nghi lễ quân vương đi cày, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành, tỉnh đã xuống đồng cày noi theo đấng minh quân 1035 năm trước đã lật những sá cầy, đánh thức đất đai làm nên mùa màng bội thu, thực hiện thắng lợi những Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi lễ các đại biểu cũng đã trao 200 suất quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn của thị xã Duy Tiên, trong đó có 100 suất được trao trực tiếp tại lễ hội.
Chu Bình