Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 35), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương sắp xếp ĐVHC. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC hiện nay là nhằm bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam xung quanh việc thực hiện chủ trương này tại tỉnh ta.

Đường Biên Hòa, Phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý.
Ảnh: Lê Dũng

P.V: Thực hiện Nghị quyết 35, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam sẽ có bao nhiêu ĐVHC cấp xã trong diện thực hiện sắp xếp, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Hà: Tỉnh Hà Nam có 6 ĐVHC cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã, 4 huyện) và có 109 ĐVHC cấp xã (gồm: 83 xã, 20 phường, 6 thị trấn). Căn cứ tiêu chí quy định tại Nghị quyết 35, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam không có ĐVHC cấp huyện phải sắp xếp mà chỉ có một số ĐVHC cấp xã phải thực hiện sắp xếp. Cụ thể: 13 xã, phường phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 do không bảo đảm tiêu chí gồm: 4 phường, 9 xã, trong đó: 2/13 xã chưa thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù là xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên và 1 xã đề nghị thực hiện sắp xếp vào giai đoạn 2026-2030 là xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng. Ngoài 13 xã, phường không bảo đảm tiêu chí phải thực hiện sắp xếp, còn 8 xã liền kề liên quan đến sắp xếp. Như vậy, toàn tỉnh Hà Nam có 19 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp gồm 11 đơn vị diện phải sắp xếp và 8 xã liền kề liên quan đến sắp xếp. Sau sắp xếp, tỉnh Hà Nam có 6 ĐVHC cấp huyện (1 thành phố; 2 thị xã và 3 huyện); 98 ĐVHC cấp xã (65 xã; 29 phường và 4 thị trấn), giảm so với trước 11 ĐVHC cấp xã.

P.V: Sáp nhập đồng nghĩa với việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, cán bộ, giải quyết vấn đề về trụ sở… Xin ông cho biết phương án giải quyết vấn đề này của tỉnh như thế nào?

Ông Đỗ Hồng Hà: Sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, ngoài việc điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC này để hình thành một ĐVHC mới, còn phải thực hiện việc sáp nhập các ĐVHC với nhau để hình thành một ĐVHC mới, vì vậy phải triển khai rất nhiều các nội dung, từ tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, đến trụ sở, tài sản công; các chính sách đặc thù; việc thực hiện chế độ, chính sách theo các chương trình mục tiêu quốc gia; việc công nhận chuẩn nông thôn mới; công nhận danh hiệu; phân loại ĐVHC; chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức... Tuy nhiên, tất cả các nội dung trên đã được cụ thể hóa về thời gian, nội dung, phương thức, cơ quan thực hiện trong Đề án sắp xếp ĐVHC của tỉnh trình Chính phủ và UBTVQH, để sau khi được UBTVQH phê chuẩn các công việc diễn ra được thuận lợi, không làm ảnh hưởng quá lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Cụ thể: Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp ĐVHC, sẽ thực hiện các phương án sau: giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội; nghỉ thôi việc. Giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP, ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, điều chuyển cán bộ, công chức còn đủ tuổi, có trình độ, năng lực đến công tác tại các đơn vị khác còn khuyết chức vụ, chức danh hoặc còn thiếu cán bộ, công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cấp xã; tiếp nhận, tuyển dụng vào công chức cấp tỉnh, cấp huyện nếu đủ điều kiện và trình độ chuyên môn phù hợp. Ngoài các quy định để giải quyết nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ chế độ và nghỉ tinh giản biên chế, đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư còn được hưởng chính sách hỗ trợ nghỉ công tác do sắp xếp ĐVHC của địa phương theo Nghị quyết 01/2024/NQ- HĐND, ngày 15/5/2024 của HĐND tỉnh Hà Nam.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ không đơn thuần mang tính cơ học mà phải có sự sàng lọc, nâng cao chất lượng. Về lâu dài, khi được sáp nhập thành xã rộng hơn, quy mô dân số lớn, để đạt được sự tín nhiệm của đông đảo đảng viên và cử tri, mỗi cán bộ, công chức xã đều phải cố gắng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Về trụ sở, tài sản công sau sáp nhập không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.

Phường Trần Hưng Đạo lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Phủ Lý.

P.V: Đến nay, công tác sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh được thực hiện thế nào? Có gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Hà: Ngay khi có chủ trương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương sắp xếp ĐVHC. Bám sát chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 1677/KH-UBND, ngày 28/8/2023 triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các đơn vị theo tiến độ thời gian để thực hiện; tiến hành rà soát các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của UBTVQH; xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan tập trung triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Các địa phương cũng đã chủ động trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Đến thời điểm này, mọi công tác được thực hiện hết sức khẩn trương, quyết liệt, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Công tác sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh ta, nhìn chung rất thuận lợi, do có kinh nghiệm sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 -2021; số ĐVHC thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 không nhiều; số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại các xã sắp xếp ít; hiện tại một số xã, phường, thị trấn đang thiếu một số vị trí cán bộ, công chức; chế độ, chính sách hỗ trợ của tỉnh ngoài các quy định của Trung ương đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được ban hành kịp thời, mức hỗ trợ cao hơn trước và cao hơn nhiều địa phương khác trên cả nước. Đặc biệt, là được sự đồng thuận của cán bộ, công chức và nhân dân, cử tri tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã đạt tỷ lệ cao (qua lấy ý kiến cử tri ở các địa phương diện sáp nhập, tỷ lệ cử tri đồng tình, ủng hộ đều chiếm trên 90%).

Bên cạnh đó, cũng có một số khó khăn như: vừa sắp xếp, vừa hoàn thiện thủ tục lên thị xã đối với huyện Kim Bảng hoặc rà soát các tiêu chí đô thị đối với các phường thuộc thành phố Phủ Lý; cán bộ cấp xã khi điều động sang xã khác do sắp xếp còn vướng quy định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại đơn vị mới sẽ gặp khó khăn do không phải người địa phương.

P.V: Theo ghi nhận thực tế, nhiều người dân ở các địa bàn sáp nhập bày tỏ băn khoăn khi đổi tên thì giấy tờ, làm các thủ tục hành chính sẽ gặp khó khăn. Chủ trương, giải pháp của tỉnh giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Hồng Hà: Sau sáp nhập các ĐVHC sẽ có sự thay đổi về giấy tờ tùy thân của công dân như: Căn cước công dân, giấy khai sinh và các loại giấy tờ khác… Để bảo đảm sự thuận lợi cho người dân, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương có phương án xử lý. Theo đó, sau khi thành lập ĐVHC mới sẽ khẩn trương thay đổi giấy tờ cho người dân. Trong thời gian thay đổi giấy tờ, mọi giấy tờ giao dịch dân sự, hành chính của công dân với giấy tờ cũ vẫn được chấp nhận, không gây ảnh hưởng tới các thủ tục và các giao dịch này... Với những phương án cụ thể đã được chuẩn bị, các cơ quan công an, tư pháp, ngành chức năng có liên quan… đều sẽ tạo thuận tiện cho việc giải quyết vấn đề này. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng mà hãy yên tâm, đồng thuận cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh, hướng đến tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Thảo (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy