Sau hơn 1 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam đã chủ động, tích cực, quyết liệt trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, đặc biệt là việc triển khai thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông gồm: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng. Cùng với thành phố Hà Nội, Hà Nam là một trong hai địa phương đi đầu toàn quốc về triển khai thực hiện toàn diện 2 quy trình liên thông TTHC trên. Theo đó, chủ trương triển khai thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC về khai sinh và khai tử được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và mang lại hiệu quả rõ nét trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ ngày 10/7/2023, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ chính thức triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông trên phạm vi toàn quốc với nhiều thay đổi ở các khâu, các bước trong quy trình thao tác nghiệp vụ về hộ tịch. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo triển khai của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nam đã ban hành các kế hoạch, công văn hướng dẫn nghiệp vụ về thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông trong lĩnh vực hộ tịch, phổ biến đến các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, công chức hộ tịch và công chức làm công tác văn thư của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Với mục tiêu: nhận thức đúng, tiếp cận nhanh, triển khai khẩn trương, hiệu quả, Sở Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp tiến hành đồng bộ nhiều nhóm giải pháp cụ thể, sát gần điều kiện thực tế của tỉnh.
Theo ông Bùi Đức Thái, Giám đốc Sở Tư pháp, đơn vị đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã đồng loạt tiến hành rà soát chứng thư số của đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, trang cấp chứng thư số cho 100% cán bộ lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, triển khai thực hiện việc cấp 447 tài khoản người dùng và phân quyền cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông. Thực hiện cài đặt, hướng dẫn trực tiếp quy trình thực hiện liên thông cho đội ngũ lãnh đạo cấp xã, cán bộ hộ tịch và cán bộ văn phòng. Thường xuyên kiểm tra máy tính và đường truyền internet bảo đảm thông suốt để phục vụ nhiệm vụ triển khai 2 nhóm TTHC liên thông nói riêng, thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử nói chung. Đồng thời, thường xuyên rà soát, thực hiện đồng bộ việc cấp quyền, khóa quyền đối với những cán bộ có thay đổi về vị trí công tác.
Để kịp thời hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai 2 nhóm TTHC liên thông, Sở Tư pháp đã thành lập nhóm zalo kết nối toàn bộ đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch trực tiếp thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông trên phạm vi toàn tỉnh. Qua đó, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và nhanh chóng giải đáp, chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy trình thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC trong thực tế. Cùng với đó, Sở Tư pháp đã biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn cài đặt chi tiết việc thực hiện liên thông để trang bị cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ ở các xã, phường, thị trấn. Thường xuyên quán triệt và hướng dẫn cán bộ cơ quan chức năng các địa phương trong việc ký bản điện tử Giấy khai sinh và Trích lục khai tử nhằm hạn chế việc ký sai, ký hỏng, dẫn đến phải hủy kết quả điện tử khai sinh, khai tử.
Nhờ tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phối hợp tiến hành đồng bộ, toàn diện các giải pháp nêu trên, ngành Tư pháp đã đóng góp không nhỏ vào kết quả thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông về khai sinh và khai tử trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đội ngũ cán bộ 109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thực hiện thành thạo việc hướng dẫn tiếp nhận, xử lý hồ sơ về khai sinh và khai tử theo quy trình liên thông. Theo thống kê, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/10/2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết liên thông đối với nhóm thủ tục đăng ký khai sinh là 8.847/8.852 hồ sơ đăng ký mới (đạt gần 100%); nhóm thủ tục đăng ký khai tử là 3.369/3.988 hồ sơ (đạt 84,5%); 100% kết quả được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; Trích lục khai tử.
Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu đạt được, việc triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết. Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật, tuy phần mềm liên thông thường xuyên được nâng cấp nhưng vẫn có thời điểm xảy ra lỗi hệ thống, dẫn đến việc chậm cấp số định danh, chậm đồng bộ hồ sơ từ phần mềm liên thông sang phần mềm hộ tịch và ngược lại. Bên cạnh đó, việc nộp hồ sơ trên phần mềm liên thông hầu hết là do cán bộ hộ tịch thao tác thay cho người dân (do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế), dẫn đến tình trạng quá tải về khối lượng công việc, gây áp lực đối với đội ngũ cán bộ hộ tịch. Mặt khác, quy trình liên thông đối với nhóm thủ tục khai sinh hiện nay chỉ áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ cả 3 thủ tục (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi). Vì vậy, khi công dân không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện để thực hiện cả 3 thủ tục trên thì sẽ không thực hiện được trên phần mềm dịch vụ công liên thông.
Việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông về đăng ký khai sinh và khai tử không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí mà còn giúp việc thực hiện các TTHC khác được thuận tiện hơn trên môi trường điện tử. Đồng thời, việc triển khai các nhóm dịch vụ công liên thông mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng. Từ những kết quả trên, thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông, góp phần mang đến thuận lợi tối đa cho người dân trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Nguyễn Khánh