Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với đặc điểm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp nơi đông người đang được coi là phương tiện hữu hiệu góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai DVCTT vào thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cũng là giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu cải cách hành chính (CCHC), từng bước xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% TTHC toàn tỉnh đã được cập nhật, đăng tải trên Hệ thống dịch vụ hành chính công của tỉnh với 2.130 bộ TTHC, trong đó DVCTT mức độ 4 là 1.325, mức độ 3 là 548. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đã có sự tăng lên rõ rệt. Năm 2020, số hồ sơ trực tuyến là 10.998/228.091 (đạt 4,82%). Đến 6 tháng đầu năm 2021, số hồ sơ trực tuyến là 13.680/106.434 (đạt 12,85%). Việc gửi hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) cũng đạt được nhiều kết quả khả quan.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 106.434 hồ sơ và chuyển trả kết quả 3.726 hồ sơ qua dịch vụ BCCI; trong đó chủ yếu là TTHC của Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông ở các lĩnh vực như cấp đổi giấy phép lái xe, cấp phiếu lý lịch tư pháp... Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC qua dịch vụ BCCI đều hài lòng với sự phục vụ của đội ngũ nhân viên bưu điện trong việc hướng dẫn quy trình tiếp nhận hồ sơ cũng như trả kết quả giải quyết TTHC. Hiện nay, UBND tỉnh chưa nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị nào của tổ chức, cá nhân khi thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI.
Như vậy, với việc sử dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến thông qua DVCTT mức độ 3, 4, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC với cơ quan nhà nước xuyên suốt 24 giờ/ngày tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Đồng thời, người nộp hồ sơ có thể được cung cấp kịp thời và chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết TTHC đầy đủ và chi tiết. Đặc biệt, đối với DVCTT mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp các khoản phí, lệ phí thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, nhận kết quả tại nhà nếu có nhu cầu mà không cần phải đến trực tiếp các cơ quan nhà nước hay bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp.
Theo kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành năm 2020, Sở Công thương đã vươn lên nằm trong nhóm các sở, ngành dẫn đầu với vị trí thứ 4 (92 điểm), trong đó, điểm thành phần ở lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính của sở đạt điểm khá cao (19/22 điểm). Để có kết quả này, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, góp phần rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường xử lý các hồ sơ trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thông qua việc tích hợp TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện phương thức giao dịch điện tử, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI…
Tính từ đầu năm 2021, Sở Công thương đã tiếp nhận 6.225 hồ sơ, trong đó tiếp nhận online qua DVCTT 5.970 hồ sơ mức độ 4; 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và giải quyết tăng cao đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nâng tỷ lệ sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4 trong giải quyết TTHC nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên, tỷ lệ người dân biết và sử dụng DVCTT theo đánh giá chưa cao, ảnh hưởng đến xếp hạng chỉ số CCHC cũng như mục tiêu đẩy mạnh CCHC của tỉnh. Về chỉ số thành phần hiện đại hóa nền hành chính năm 2020, Hà Nam đạt 84,29%, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố, cho thấy một số nhiệm vụ và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh vừa qua, một số đại biểu cho rằng phần đông doanh nghiệp đón nhận DVCTT nhiều hơn so với người dân. Lý do đơn giản là, doanh nghiệp đã quen với các thiết bị công nghệ và các dịch vụ trên mạng internet, do đó họ cũng dễ dàng tiếp cận và sử dụng DVCTT hơn. Bên cạnh đó, hầu hết người dân ít có nhu cầu làm các TTHC, vì vậy khi có nhu cầu, họ thường đến thẳng cơ quan hành chính để làm với tâm lý “chắc chắn” hơn khi được trực tiếp hướng dẫn và thực hiện. Ngoài ra, với đa phần người dân lớn tuổi, quy trình của các DVCTT vẫn còn khá phức tạp, phải thực hiện nhiều thao tác, như truy cập vào cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động… Người dân phải có tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ. Thậm chí, nếu đăng ký không thành công do hồ sơ chưa hợp lệ, việc hoàn trả phí cũng mất nhiều thời gian.
Để giải quyết những vấn đề này, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành địa phương tập trung nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đáp ứng đủ số lượng dịch vụ công, mức độ phục vụ hồ sơ phát sinh ở tất cả các cấp. Xây dựng khung ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Hà Nam; tiếp tục trang bị máy chủ, lưu điện và các thiết bị khác để bảo đảm cài đặt phần mềm, lưu trữ các cơ sở dữ liệu tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh bảo đảm đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, để tuyên truyền và quảng bá hiệu quả về DVCTT đến người dân, cần cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp, giúp người dân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất, từng bước tiến tới xác định internet sẽ là kênh cung cấp dịch vụ chính cho công dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường. Khi người dân từng bước hình thành thói quen sử dụng DVCTT, được hướng dẫn sử dụng cặn kẽ và nhìn nhận được mặt tích cực của DVCTT, họ sẽ làm khi có nhu cầu, góp phần thực hiện thành công lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh.
Thanh Vân