kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hệ thống chính quyền, thời gian qua các cơ quan, đơn vị trong tỉnh luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, góp phần phục vụ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2017, tỉnh đã xây dựng và ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam phiên bản 1.0 cùng nhiều quyết định, chỉ thị, quy chế làm cơ sở cho việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Hiện tại, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đã có mạng cục bộ (LAN) và kết nối internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức (CBCC) từ cấp huyện trở lên là 100%, cấp xã trên 65%. Trung tâm tích hợp dữ liệu được trang bị 13 máy chủ, 1 tường lửa cứng, các hệ thống thông tin đang được cài đặt tại trung tâm gồm: Thư điện tử của tỉnh, trang văn bản quy phạm pháp luật, trang niên giám thống kê, công báo điện tử, trang thông tin điện tử của một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh…

Các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử được phát triển đồng bộ. Một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được xây dựng, triển khai tại một số cơ quan, như: Quản lý đối tượng người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội); Hệ thống thông tin Địa lý (GIS) của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Phủ Lý; Quản lý cán bộ (Sở Nội vụ); Quản lý cấp phép lái xe, Quản lý phương tiện thủy nội địa (Sở Giao thông vận tải); Quản lý hộ tịch (Sở Tư pháp)… 

Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung được triển khai tới 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố từ đầu tháng 8/2019, tạo thuận lợi trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử, tạo và xử lý phiếu yêu cầu của các đơn vị. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh cũng đã được kết nối liên thông với trục liên thông quốc gia và tích hợp chữ ký số, giúp UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi được luồng xử lý văn bản giữa các cơ quan; bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương, tạo thuận lợi trong việc ký số văn bản điện tử. 

Đến nay, 25/25 sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã ứng dụng phần mềm vào chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn hằng ngày, đồng thời gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận từ Ban Cơ yếu Chính phủ, cung cấp gần 200 chứng thư số cho các tổ chức và gần 500 chứng thư số cá nhân nhằm phục vụ cho việc ký số văn bản điện tử. Hệ thống thư điện tử của tỉnh bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho CBCC từ cấp tỉnh đến cấp xã; tỷ lệ CBCC từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống điện tử trong công việc đạt 95%. 

Giải quyết TTHC cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND xã Liêm Phong (Thanh Liêm).

Ông Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBND xã Liêm Phong (Thanh Liêm) cho biết: Triển khai hệ thống chính quyền điện tử giúp thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản được cập nhật thường xuyên, giúp CBCC dễ dàng theo dõi công việc tại đơn vị dù phải công tác xa. Chỉ cần dùng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối mạng internet là có thể đọc và xử lý toàn bộ văn bản đi, đến, kịp thời chỉ đạo, điều hành công việc đạt hiệu quả cao.

Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh (http://motcua.hanam.gov.vn) đi vào hoạt động từ tháng 7/2017 và được triển khai tại 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn. Mọi thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh cũng như toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC đều được cập nhật công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp tra cứu, kiểm tra. Tính đến 30/12/2019, hệ thống đã cung cấp 2.098 bộ thủ tục (đạt 100%), trong đó 195 dịch vụ mức độ 2, 1.504 dịch vụ mức độ 3, 399 dịch vụ mức độ 4. Đồng chí Nguyễn Thị Khánh Thiệm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Về cơ bản, hiện nay các tổ chức, người dân đã quen thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trong năm 2019, trung tâm đã tiếp nhận 21.456 hồ sơ, tỷ lệ trả hồ sơ trước và đúng hạn đạt trên 95%.

Với việc đẩy mạnh CCHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận trả kết quả hiện đại đi vào hoạt động, việc thực hiện các TTHC của người dân, doanh nghiệp đã thuận lợi hơn rất nhiều. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT – TT (ICT Index) của tỉnh năm 2018 xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2017 và tăng 27 bậc so với năm 2016. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế. 

Theo đó, Trung tâm tích hợp dữ liệu mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu lưu trữ, chưa bảo đảm về cả số lượng, chất lượng và giải pháp công nghệ; khả năng bảo mật chống lại các nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài, phá hoại hệ thống chưa cao. Hiện tại ở nhiều xã, tỷ lệ máy tính vẫn còn thấp, chưa bảo đảm để triển khai phần mềm, hệ thống thông tin, đặc biệt là việc triển khai liên thông 4 cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử vẫn còn ít bộ hồ sơ trực tuyến, các hồ sơ trên hệ thống đa số do CBCC làm việc tại bộ phận một cửa nhập vào từ bản giấy. Việc ứng dụng chữ ký số, trao đổi văn bản điện tử còn chậm theo quy định, làm tăng chi phí in ấn và thời gian luân chuyển hồ sơ, ảnh hướng đến thời gian giải quyết TTHC của các cơ quan.

Xây dựng chính quyền điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế. Để thực hiện chính quyền điện tử theo đúng lộ trình, kế hoạch cần có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm tạo nên bước đột phá, bắt kịp xu thế phát triển chung. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng CNTT nền tảng xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC, giảm thủ tục về giấy tờ, chú trọng triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ tổ chức, công dân; tuyên truyền, trợ giúp, hướng dẫn nhân dân thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường mạng, tạo lập mối tương tác trực tuyến liên thông không giấy tờ.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy