Thực hiện các nhiệm vụ của Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, khả thi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đề án.
Đối với công tác số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử, ngay từ khi triển khai Đề án 06, Sở Tư pháp đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện số hóa hộ tịch lịch sử; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đầu tư kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể, Sở Tư pháp ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện số hóa bổ sung dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhằm tiếp tục thực hiện việc số hóa đối với các loại sổ hộ tịch, các dữ liệu hộ tịch chưa được thực hiện số hóa trên địa bàn, thực hiện số hóa bổ sung khoảng hơn 22.000 dữ liệu. Đồng thời, sở đã đề xuất Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an thực hiện rà soát, đối sánh dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công an địa phương, phòng Tư pháp và UBND cấp xã phối hợp thực hiện rà soát đối chiếu, xử lý dữ liệu sai lệch giữa 2 cơ sở dữ liệu theo hướng dẫn của ngành chức năng. Đến nay, đã có 629.809/650.295 dữ liệu hộ tịch lịch sử đã được nhập, đưa vào Phần mềm Hộ tịch 158 và đang tiếp tục thực hiện việc phê duyệt dữ liệu từ Phần mềm Hộ tịch 158 vào Phần mềm Hộ tịch điện tử dùng chung (đạt 96,8%).
Đối với công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp đẩy mạnh triển khai phương thức nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ toàn trình. Trong 7 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thụ lý tổng số 7.459 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó có 1.719 hồ sơ trực tuyến. Cùng với đó, mô hình "Thông tin lý lịch tư pháp trên VNeID" là một trong 43 mô hình cụ thể của Đề án 06 tại tỉnh Hà Nam nhằm triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển VNeID để ứng dụng phát triển công dân số trên địa bàn trên nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, kế thừa và phát huy thế mạnh của mỗi ứng dụng, không chồng chéo; liên thông dữ liệu… hướng đến tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Ngày 30/8/2024, ngay sau khi nhận được tài liệu kết nối kỹ thuật lý lịch tư pháp mới (VNEID - MCĐT) đáp ứng quy trình, biểu mẫu mới của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT tỉnh đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) và Cục C06 (Bộ Công An) hoàn thiện cấu hình theo quy trình mới phục vụ triển khai chính thức cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Việc thực hiện mô hình “Thông tin lý lịch tư pháp trên VNeID” giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, người dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID chỉ với vài thao tác đơn giản trong vài phút.
Bên cạnh đó, Phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng cũng đã được Sở Tư pháp triển khai tới 12 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, hiện đã đi vào hoạt động ổn định. Có được kết quả này, thời gian qua Sở Tư pháp phối hợp với Công ty xây dựng phần mềm tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm Công chứng giúp người sử dụng dễ dàng thao tác chính xác và hiệu quả; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kết nối phần mềm công chứng qua IOC (Trung tâm điều hành dữ liệu thông minh của tỉnh), tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, sở thường xuyên có văn bản đôn đốc các tổ chức hành nghề công chứng nhập dữ liệu góp phần làm đầy cơ sở dữ liệu công chứng. Từ khi triển khai Phần mềm công chứng (năm 2017), đến ngày 31/7/2024 các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã cập nhật được 37.277 thông tin hợp đồng giao dịch đã công chứng.
Việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác của Đề án 06 cũng được Sở Tư pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm 100% phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thực hiện được dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính khi có yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thực hiện chứng thực điện tử với gần 142.000 hồ sơ yêu cầu. Việc triển khai thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính về khai sinh và khai tử của Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và thống nhất trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp tại địa phương vẫn còn một số khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ. Trong đó, việc đồng bộ hồ sơ liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính cũng như kết quả bản điện tử từ một cửa của tỉnh sang phần mềm hộ tịch và ngược lại thường xuyên gặp lỗi; khi đồng bộ sang phần mềm hộ tịch bị thiếu các trường thông tin của công dân như nơi sinh, quê quán... Việc số hóa hộ tịch lịch sử còn gặp một số vướng mắc như trên Phần mềm Hộ tịch 158 còn nhiều dữ liệu hộ tịch bị sai sót hoặc bị trùng, cán bộ cơ sở không thực hiện được việc sửa sai sót nên không phê duyệt được vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp…
Để việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 đạt hiệu quả, công tác phối hợp giữa các ngành Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông cần được nâng cao hơn nữa, đặc biệt là trong việc triển khai rà soát làm sạch thông tin dân cư, đáp ứng yêu cầu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất (về đường truyền mạng, máy scan...) đáp ứng tiêu chuẩn để phục vụ người dân hiệu quả hơn khi có yêu cầu thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử tại bộ phận “một cửa” của các địa phương.
Nguyễn Khánh