Mục đích của tuyên truyền về đẩy mạnh CCHC là hướng đến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác CCHC, tạo sự đồng thuận, nhất trí, qua đó phát huy tối đa mọi nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác CCHC trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, báo chí là kênh thông tin đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về CCHC. Không chỉ phổ biến nội dung những văn bản chính sách mới của cấp ủy, chính quyền các cấp, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, vì nhân dân phục vụ, các phương tiện truyền thông còn góp phần phát hiện, phản ánh kịp thời những hạn chế, thiếu sót của tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác CCHC.
Thực hiện kế hoạch tuyên truyền CCHC của UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, chuyên mục CCHC được phát trên Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh 2 lần/tháng vào khung giờ đặc biệt các tối thứ sáu của tuần thứ hai, tuần thứ tư hằng tháng. Báo Hà Nam xây dựng chuyên trang “Cải cách thủ tục hành chính” và đăng tải thường xuyên hàng trăm tin, bài, ảnh trên báo in, báo điện tử, tăng cường phản ánh về hoạt động của mô hình chính quyền điện tử, công dân điện tử, cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, lợi ích của dịch vụ công trực tuyến... Bài viết có hình ảnh, số liệu minh họa thực tiễn phong phú, có ý kiến trao đổi của lãnh đạo đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan và kiến nghị của người dân, qua đó giúp công chúng có nhận thức đầy đủ hơn về nỗ lực CCHC của các cấp, ngành, địa phương, bước đầu tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; đồng thời giúp CBCCVC nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong công tác CCHC và cung cấp dịch vụ công.
Cùng với các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn, các trang tin, cổng thông tin điện tử cũng là những kênh tuyên truyền hiệu quả, góp phần đưa thông tin kịp thời, chính xác về công tác CCHC đến đông đảo đội ngũ CBCC, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Phổ biến, thông tin kịp thời hoạt động công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền về đẩy mạnh CCHC, tình hình, kết quả thực hiện CCHC của đơn vị, địa phương; thường xuyên cập nhật các TTHC đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tra cứu, tìm hiểu. Với Cổng dịch vụ công trực tuyến, người dùng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản, đăng nhập, tra cứu thông tin TTHC và quy trình giải quyết TTHC. Cùng với đó, công dân, tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể trao đổi, hỏi đáp những vấn đề liên quan đến TTHC thông qua phần hỏi – đáp một số câu hỏi thường gặp trên hệ thống. CBCC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ nhanh chóng phản hồi, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân. Cũng thông qua phần hỏi đáp, kiến nghị này, không chỉ giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận chủ trương, chính sách của tỉnh mà còn là cơ sở để lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có điều chỉnh kịp thời trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các quy định giãn cách xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động (dựng pano, căng treo khẩu hiệu tuyên truyền, phát tờ rơi, phổ biến nội dung văn bản hướng dẫn trên loa phát thanh), giúp người dân, nhất là những cá nhân ít tiếp xúc với mạng internet, hiểu hơn về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm nhanh chóng, tiện lợi, không mất thời gian công sức đi lại mà vẫn bảo đảm giãn cách xã hội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Huyền, Trưởng Đài Truyền thanh xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, hệ thống truyền thanh xã được đầu tư trang bị 65 chiếc loa phủ kín đến 9/9 thôn. Mỗi ngày, cán bộ, nhân viên Đài Truyền thanh mở phát sóng 3 lần (sáng, trưa, chiều), mỗi lần từ 30 đến 120 phút để kịp thời truyền tải thông tin đến người dân. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã, 2 lần/tuần Đài Truyền thanh xã phát thông tin tuyên truyền về CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC để người dân biết và làm theo. Tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC của xã cũng niêm yết công khai các bộ TTHC, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, công khai số điện thoại của lãnh đạo chính quyền và CBCC tư pháp xã, hòm thư góp ý, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức lồng ghép vào chương trình các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật… cũng được chú trọng, đem lại hiệu quả thiết thực. Năm 2019, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức 46 lớp tập huấn cho trên 6.400 lượt CBCCVC, CBCC cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ phố.
Ông Trương Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên cho biết: Hoạt động tuyên truyền về công tác CCHC luôn được lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã chú trọng. Bên cạnh các lớp tập huấn do Sở Nội vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tổ chức, lãnh đạo UBND thị xã yêu cầu Phòng Tư pháp thị xã lồng ghép nội dung tuyên truyền về CCHC, lợi ích và cách sử dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 thông qua các buổi phổ biến pháp luật, tư vấn pháp lý lưu động. Qua kết quả khảo sát, 6 tháng đầu năm, trung bình có trên 95% người dân đánh giá hài lòng về thái độ, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của CBCC tư pháp cấp xã, hơn 84% người dân hài lòng với dịch vụ bưu chính công ích và nhận xét sẽ tiếp tục sử dụng trong những lần giao dịch hồ sơ tiếp theo. Kết quả trên cho thấy những nỗ lực trong hoạt động tuyên truyền về công tác CCHC thời gian qua đã không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC, người đứng đầu mà còn tạo dựng những suy nghĩ, hành động tích cực từ phía người dân sử dụng dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, với thị xã Duy Tiên, nơi có đông các doanh nghiệp đang hoạt động thì việc đẩy mạnh CCHC sẽ góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, giúp Duy Tiên thực sự trở thành “đất lành” đối với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.
Hướng tới mục tiêu cao hơn về chất lượng, hiệu quả, theo ý kiến của một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, công tác tuyên truyền về CCHC cần bảo đảm yêu cầu thiết thực, sâu rộng và phong phú hơn nữa về nội dung, hình thức. Theo đó, cần chú trọng sử dụng những cách thức tiếp cận linh hoạt, như: tổ chức hội thi tìm hiểu về công tác CCHC để nhiều người dân có thể tham gia; sân khấu hóa một số tình huống thực tiễn khó giải quyết khi người dân đến làm hồ sơ TTHC tại bộ phận một cửa; tổ chức hoạt động tuyên truyền kết hợp các chương trình nghệ thuật lưu động; tổ chức các buổi đối thoại, tọa đàm, giải đáp chính sách giữa lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh với cá nhân, doanh nghiệp…
Khi hoạt động tuyên truyền trở nên hấp dẫn hơn, mọi thông tin, thông điệp cần chuyển tải sẽ nhanh chóng, dễ dàng lan tỏa, thẩm thấu đến các tầng lớp nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử thân thiện, vì nhân dân phục vụ.
Thanh Vân