Nhân dịp tết Nguyên đán Canh Tý - 2020, tôi may mắn được cùng hơn 60 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến thăm, tặng quà quân và dân trên các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Chuyến đi đã để lại cho đoàn thật nhiều cảm xúc.
Đúng 21 giờ, ngày 30/12/2019, tại Cảng 2 - Lữ đoàn 127 (Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân), con tàu mang số hiệu 632 hú vang hồi còi, đưa đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cùng hơn 60 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tới thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên các đảo, điểm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, như: Thổ Chu, Hòn Chuối, Hòn Khoai, Nam Du, Hòn Đốc. Sau 9 tiếng lênh đênh trên biển, vượt hơn 60 hải lý, con tàu đã đưa chúng tôi đến đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Hầu hết phóng viên chúng tôi đều là những người đầu tiên đặt chân tới vùng biển Tây Nam lại đúng vào mùa biển động, sóng biển cao 3 - 4m khiến chiếc tàu trao đảo, lắc mạnh, vốn chưa quen với sóng biển nên nhiều anh em bị say sóng. Khi trời còn mờ sáng, nghe tiếng loa phóng thanh trên tàu thông báo đã tới đảo, ai nấy đều tỉnh táo như trước đó chưa từng bị say sóng, mọi người khẩn trương chuẩn bị những vật dụng cá nhân cần thiết trước khi lên đảo.
Đại tá Lê Xuân Phong, Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Trưởng đoàn công tác thông báo tới anh em phóng viên: “Sau khi lên đảo, chúng ta vào viếng Đền thờ Thổ Châu; thăm, chúc Tết các đơn vị đóng quân và đúng 11 giờ ăn cơm trưa tại Trạm Rada 610, sau đó phóng viên chủ động tác nghiệp và trở về tàu lúc 16 giờ”. Vốn đã có kinh nghiệm từ 2 lần đi đảo trước đó (quần đảo Trường Sa năm 2013, đảo Bạch Long Vĩ năm 2017) nên tôi đã chuẩn bị khá kỹ các phương tiện, máy móc, tinh thần để tác nghiệp. Do thời gian tác nghiệp trên đảo có hạn, để thu thập được nhiều thông tin cũng như hình ảnh phục vụ bạn đọc, tôi cùng nhà báo Trần Minh (Báo Quảng Ninh), Hải Sơn (Báo Hòa Bình) phân công nhau mỗi người một việc. Người bám sát các đơn vị đóng quân, người đi tìm hiểu lĩnh vực y tế, giáo dục, người tìm hiểu cuộc sống của người dân để tối xuống tàu trao đổi với nhau, sao cho có đầy đủ nhất các hình ảnh, tư liệu. Sau một ngày mệt mỏi tác nghiệp trên đảo tuy đêm đã về khuya, với sóng cấp 3 - cấp 4, phóng viên nữ được ưu tiên ngủ trong cabin, còn lại cánh nam giới ngủ trên boong, lều bạt dã chiến, nhưng ai đấy vẫn cặm cụi bên máy tính để kịp thời gửi về tòa soạn những tin bài nóng hổi của chuyến đi, phục vụ độc giả.
Điều cảm nhận của tôi cũng như một số nhà báo khác khi tác nghiệp trên đảo, điểm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc nếu không có sức khỏe, tính kiên trì và nhẫn lại thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, do phải thay đổi môi trường sống, thay đổi thói quen sinh hoạt, lại tác nghiệp trong điều kiện say sóng, say nắng. Đặc biệt, các đảo, điểm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc lại có địa hình cao so với mặt nước biển, quanh năm chỉ có nắng và gió. Để vào được đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đốc sau khi tàu thả neo, ngoài việc phải xuống thuyền truyền tải mất vài tiếng đồng hồ (do không có cầu cảng), chúng tôi phải leo dốc khoảng 4km đường rừng thẳng đứng để tới các đơn vị đóng quân. Tác nghiệp xong, quay lại tàu ngay để kịp cho chuyến hành trình tiếp theo. Ban ngày thì bám sát các hoạt động của đoàn, ban tối lại tranh thủ viết tin, bài. Chính vì vậy, để tác nghiệp ngoài đảo xa xôi không phải là điều đơn giản, nhất là những phóng viên nữ.
Điều băn khoăn của nhiều phóng viên chính là nơi biển đảo xa xôi, tín hiệu đường truyền internet rất yếu nên việc truyền tải thông tin về tòa soạn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để có thể cập nhật hoạt động của đoàn công tác cũng như phản ánh cuộc sống của CBCS và nhân dân trên đảo kịp thời, phóng viên phải nhờ đường truyền của tàu về đất liền. Nhà báo Thanh Nga, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên chia sẻ: Dù được đi tác nghiệp ở nhiều nơi, trong rất nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên đặt chân tới các đảo, điểm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, nên tôi tranh thủ thời gian gặp những người lính, nhân dân trên đảo để có những phóng sự hay, hấp dẫn giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống của CBCS và người dân nơi đây...
Cũng như những phóng viên khác, với tôi được tác nghiệp trên những vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói chung, vùng Tây Nam nói riêng thật sự là niềm vinh dự và tự hào. Mỗi chuyến công tác nơi đảo xa đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về những người lính đảo, những người dân sinh sống trên đảo luôn kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trần Ích