Ngày 14/4/1975, quân đội ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), đây là chiến thắng đầu tiên ở quần đảo Trường Sa. Đã 45 năm trôi qua kể từ những ngày tháng Tư lịch sử, Song Tử Tây vẫn luôn hiên ngang, kiên cường trước sóng gió, là đảo mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân.
Những ngày tháng Tư lịch sử
Đảo Song Tử Tây cách bán đảo Cam Ranh 308 hải lý, thuộc phía bắc quần đảo Trường Sa. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, đảo Song Tử Tây được chọn để giải phóng đầu tiên. Rạng sáng ngày 14/4/1975, đội 1 đặc công Hải quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Thiếu úy Nguyễn Ngọc Quế chia làm 3 mũi đã bí mật áp sát vào đảo. 3 giờ 55 phút, các mũi tiếp cận xong và áp sát mục tiêu. Đúng 4 giờ ngày 14/4/1975, bộ đội ta bắt đầu nổ súng. Sau gần 20 phút chiến đấu, trước sức áp đảo bất ngờ của ta, địch phản ứng yếu ớt, buộc phải đầu hàng. 4 giờ 20 phút, đồng chí Thượng sỹ Lê Xuân Phát đã nhanh chóng hạ cờ của địch xuống và kéo cờ giải phóng tung bay trên đảo, báo hiệu ta làm chủ hoàn toàn trận đánh. Kết quả bộ đội ta đã bắt sống tên Thiếu úy chỉ huy và 38 tên khác, thu toàn bộ vũ khí trang bị.
Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, chỉ sau 20 phút chiến đấu, quân đội ta đã giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Song Tử Tây được giải phóng làm cho quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động. Từ chiến thắng Song Tử Tây làm bàn đạp, quân đội ta tiếp tục giải phóng thêm nhiều đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.
Song Tử Tây hôm nay
Với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa”, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đảo Song Tử Tây được Đảng, Nhà nước, quân đội, cùng nhân dân cả nước quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp toàn diện nhiều công trình về phát triển kinh tế biển và giữ vững quốc phòng - an ninh như: Cột mốc chủ quyền, nhà làm việc của Ban Chỉ huy đảo, Khu tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trường tiểu học, chùa Song Tử Tây, khu dân cư... Tháng 1/2016, đảo đã khánh thành đưa vào sử dụng bệnh xá rộng 834m2, với 20 giường bệnh, các trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại; khu làng chài rộng 2.085m2, đủ chỗ cho hơn 190 người. Ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m đêm đêm thắp sáng dẫn đường cho những con tàu vượt qua vùng biển đầy đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Trạm khí tượng thủy văn của Nam Trung Bộ ngày đêm cung cấp những số liệu về khí hậu, thời tiết báo về đất liền để các bản tin dự báo thời tiết có thể kịp thời dự báo chính xác.
Đảo Song Tử Tây đã có âu tàu, trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, cung cấp dầu, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân. Theo Trung tá Bùi Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, âu tàu Song Tử Tây chính là địa chỉ trú ngụ an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải mỗi khi đánh bắt xa bờ, hoặc trong thời gian khai thác hải sản không may gặp thời tiết giông bão. Số lượng ngư dân đưa tàu vào tránh trú bình quân mỗi năm khoảng 1.550 lượt tàu. Sở dĩ âu tàu Song Tử Tây trở thành một trong những bến đậu an toàn trên quần đảo Trường Sa là do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là âu tàu được xây dựng liên hoàn với nhiều trạm dịch vụ hậu cần nghề cá như: trạm sửa chữa, trạm cung ứng dầu và nước ngọt cho ngư dân. Âu tàu rộng trên 58.300m2 nên có đủ khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn cùng một lúc. Vì thế, Song Tử Tây hôm nay là một trong những đảo có thế mạnh về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế biển của nước ta.
Cuộc sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo hôm nay đang từng bước được cải thiện, 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti-vi. Tháng 3/2016, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã triển khai lắp đặt trạm thu phát sóng FM, trước đó Tổng cục Chính trị đã triển khai các trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam. Qua đó giúp quân và dân trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và quốc tế, nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc. Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 6.000 đầu sách và hàng chục đầu báo, tạp chí các loại, 1 tủ sách pháp luật... Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra thường xuyên, sôi nổi, góp phần động viên, cổ vũ tinh thần cho những người giữ đảo yên tâm với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống.
Ở Song Tử Tây, tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn luôn hiên ngang, sừng sững, mặc sóng to, bão giật, như nhắc nhớ về 3 lần đại thắng quân xâm lược Nguyên-Mông. Ôn lại những trang sử hào hùng, cũng như tìm hiểu về sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, quốc phòng… của Song Tử Tây, mỗi người dân Việt Nam thêm vững tin vào tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền trường tồn của Tổ quốc ở đảo Song Tử Tây nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung.
Nguyễn Khánh
Nguyễn Khánh